Tiêu chuẩn lao động nào tác động đến quan hệ lao động?

0
964

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến các bạn thông tin về tiêu chuẩn lao động tác động đến quan hệ lao động để mọi người có thể hiểu hơn về vấn đề trên.

bảo hiểm thất nghiệp
          Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quy định về tiền lương

Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, hằng năm điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với quá trình phát triển của từng thời kỳ.

Các mức lương tối thiểu do Chính phủ điều chỉnh trong những năm qua bảo đảm bù được trượt giá sinh hoạt và cải thiện tiền lương thực tế của người lao động. Qua phân tích, đánh giá hằng năm cho thấy việc điều chỉnh mức lương tối thiểu nhìn chung không ảnh hưởng lớn đến việc làm, thất nghiệp và không gây tăng đột biến chi phí của doanh nghiệp.

Bảng về Năng suất lao động và tiền lương của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực:

Tên nước Năng suất lao động (nghìn USD) Tiền lương tối thiểu (USD/tháng) Tiền lương bình quân (USD/tháng)
Malaysia 20,3 219,6- 238,7 594
Philippines 7,2 125,2- 259,6 220
Singapore 92,4 3.673
Thái Lan 10,5 235,6- 243,5 389
Việt Nam 3,9 114,9- 167 231

Xét về nền lương tối thiểu thì Việt Nam là nước có mức lương tối thiểu thấp nhất so với 4 nước phát triển trong khối ASEAN. Tuy nhiên so với năng suất lao động thì năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/2 của Philippines, bằng 2/5 của Thái Lan và bằng 1/5 của Malaysia. Trong khi đó mức lương tối thiểu của Việt Nam bằng 80% của Philippines, bằng 60% của Thái Lan và Malaysia và tiền lương bình quân của Việt Nam cao hơn tiền lương bình quân của Philippines và bằng 60% tiền lương bình quân của Thái Lan. Từ tình hình trên cho thấy Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh về tiền lương và chi phí lao động.

Tiền lương của người lao động do người lao động với người sử dụng lao động trên cơ sở việc làm, kết quả lao động và mặt bằng tiền lương trên thị trường. Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương và cơ chế trả lương của doanh nghiệp.

Theo số liệu điều tra, tiền lương bình quân người lao động trong các loại hình doanh nghiệp và trong một số ngành nghề như sau:

Năm 2016, tiền lương bình quân của người lao động đạt 5,71 triệu đồng/tháng, tăng 7,5% so với năm 2015; trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiền lương bình quân của là 5,69 triệu đồng/tháng, tăng 8,58% so với năm 2015; doanh nghiệp dân doanh tiền lương bình quân của là 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 10,06% so với năm 2015.

Thu nhập bình quân năm 2016 là 6,03 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2015; doanh nghiệp FDI là 5,7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 6,04 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền lương bình quân trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ là 6,05 triệu đồng/người/tháng, lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp là 6,10 triệu đồng/người/tháng, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là 6,02 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2017, tiền lương bình quân của người lao động đạt 6,2 triệu đồng/người/ tháng, bằng 1,8 lần mức lương tối thiểu vùng bình quân, trong đó vùng I, mức lương bình quân của người lao động bằng 1,92 lần mức lương tối thiểu vùng; mức lương bình quân của vùng IV bằng 1,72 lần mức lương tối thiểu vùng.

Một số quan điểm cho rằng thu nhập của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp còn thấp, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân thấp là do mức lương tối thiểu quy định thấp. Điều này không phù hợp với quan điểm thỏa thuận về tiền lương. Mức lương tối thiểu chỉ là mức sàn để bảo vệ người lao động, còn tiền lương do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động tùy thuộc vị trí chức danh công việc, điều kiện làm việc và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thực tiễn, việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương giữa người lao động, đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động chưa được các bên quan tâm. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương và không cung cấp đầy đủ thông tin về tiền lương cho người lao động nên người lao động thiếu thông tin để thỏa thuận tiền lương; vai trò của công đoàn cơ sở trong việc thỏa thuận chính sách tiền lương, hệ thống thang lương của người lao động chưa được phát huy, nhiều doanh nghiệp không có nội dung thỏa thuận về tiền lương trong thỏa ước lao động tập thể. Do vậy trong thời gian qua có khoảng 80% số cuộc đình công xảy ra là do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn giữa ca và tiền thưởng.

Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Bộ luật Lao động đã quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trong đó giờ làm việc trong ngày không quá 8 giờ, và giờ làm việc trong tuần không quá 48 giờ. Ngoài ra pháp luật lao động cũng quy định tiêu chuẩn làm thêm giờ, người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ không quá 4 giờ trong ngày, 30 giờ trong một tháng và 200 giờ trong một năm; trường hợp đặc biệt người sử dụng lao động cũng có quyền thỏa thuận với người lao động về huy động làm thêm giờ không quá 300 giờ trên một năm. Theo báo cáo Điều tra Lao động Việc làm năm 2016 của Tổng cục Thống kê thì khoảng 42,7% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần và con số đáng lo ngại đó là có tới 35,1% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (38,4%) cao hơn của nữ (31,8%).

Số giờ làm việc bình quân/tuần của năm 2016 là 44,9 giờ/tuần, số giờ làm việc bình quân/tuần của nam cao hơn nữ và vùng Đông Nam Bộ có số giờ làm việc bình quân/tuần cao nhất trong 6 vùng (48,5 giờ/tuần).

Trong thực tế nhiều nơi, người lao động đã thỏa thuận với người sử dụng lao động đạt được mức giờ làm việc bình quân là 44 giờ trong tuần, đó là ở một số doanh nghiệp của Nhật Bản, doanh nghiệp của Hàn Quốc. Tuy nhiên trong thực tế nhiều doanh nghiệp đã huy động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định từ 100-200 giờ/ năm để đáp ứng yêu cầu sản xuất có tính thời vụ.

Quy định về An toàn và vệ sinh lao động

Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã quy định vai trò trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đại diện tập thể người lao động có quyền thương lượng thỏa thuận với người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến an toàn và vệ sinh lao

Báo cáo Quan hệ lao động động, bảo đảm điều kiện làm việc tốt hơn và có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên trong thực tế, điều kiện làm việc của công nhân ở nhiều nơi vẫn chưa được bảo đảm. Nhiều công nhân phải làm việc trong môi trường bị ô nhiễm nặng như nóng, bụi, tiếng ồn, độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều đó đã tác động xấu đến sức khoẻ người lao động, gây ra các bệnh nghề nghiệp. Trung bình hàng năm, các đơn vị đã đo, kiểm tra môi trường lao động được gần 550.000 mẫu. Số mẫu đo, kiểm tra môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép chiếm trên 10%, chưa có xu hướng giảm, tập trung vào yếu tố phóng xạ, từ trường, bụi, ồn, ánh sáng, rung, hơi khí độc. Nhiều chức danh nghề nặng nhọc độc hại và đặc biệt nặng nhọc độc hại phát sinh trong thực tế chưa được cập nhập và ban hành để làm cơ sở cho việc giải quyết các chế độ quyền lợi cho người lao động.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì số vụ tai nạn lao động xảy ra còn lớn, năm 2016 cả nước xảy ra 7.588 vụ với 7.806 người bị tai nạn, trong đó tai nạn chết người chiếm 9%. So với năm 2015 thì số vụ tai nạn lao động giảm, nhưng số người tai nạn lao động và số người chết do tai nạn lao động tăng.

Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2016 được xác định như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,… là 171,63 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 7,8 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 98.176 ngày.

Tiêu chuẩn về phúc lợi và an sinh xã hội

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì năm 2016 có 201.596 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 13,2% so với năm 2015. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội trong các các loại hình doanh nghiệp là 8,52 triệu người, tăng 7,23% so với năm 2015.

Tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2016 là 4,3 triệu đồng, tăng 12,16% so với năm 2015 và chiếm 75% tiền lương bình quân của người lao động.

Các yếu tố khác tác động đến quan hệ lao động

Tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có có 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút 2,8 triệu lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp tập trung, trong đó có khoảng 50-60% lao động đến từ các địa phương khác. Việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tạo nên sự dịch chuyển, tập trung lực lượng lao động trên cùng một địa bàn dân cư, gây mất cân đối, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi, nhất là vấn đề nhà ở, trường học, nhà mẫu giáo, các thiết chế văn hóa. Vì vậy, quan tâm giải quyết các điều kiện về nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng có tác động tích cực đến quan hệ lao động.

Về nhà ở công nhân khu công nghiệp

Việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân đã được Chính phủ đưa vào Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện cho những người lao động có thu nhập thấp được sở hữu nhà ở.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2016, cả nước đã hoàn thành 179 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó, có 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Tổng cộng cung cấp khoảng 71.150 căn hộ, tương đương 3,7 triệu m2 với mức đầu tư 25.900 tỉ đồng. Để hỗ trợ công nhân, người có thu nhập thấp, các địa phương trong cả nước đang triển khai 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Tổng số căn hộ sẽ là 163.800, mức đầu tư khoảng 71.800 tỉ đồng. Con số trên tuy không nhỏ nhưng mới chỉ đạt 28% so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mới đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu về nhà ở của công nhân, số còn lại đã phải thuê nhà trọ bên ngoài, điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, chật chội với giá thuê từ 500.000-700.000 đồng/người/tháng.

Đời sống văn hóa tinh thần

Để xây dựng đời sống văn hóa của công nhân khu công nghiệp gắn với các thiết chế văn hóa tinh thần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các Khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Mới đây, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện. Triển khai các Quyết định nêu trên, nhiều địa phương đã quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà văn hóa, câu lạc bộ công nhân.

Việc đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân và người lao động tại khu công nghiệp mới chỉ là những việc làm bước đầu. Hiện nay, cả nước mới có 33 cung văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa lao động cấp tỉnh; 20 nhà văn hóa lao động cấp huyện; trên 100 nhà văn hóa lao động trong các doanh nghiệp; tại 98 khu công nghiệp mới chỉ có 6 khu công nghiệp có trung tâm văn hóa, thể thao đạt tỷ lệ 6%; có 28% doanh nghiệp tổ chức các cuộc giao lưu, liên hoan, hội diễn văn nghệ; 31% doanh nghiệp tổ chức luyện tập, thi đấu thể thao.

Trên thực tế đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động vẫn còn không ít những khoảng trống. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng được nhu cầu, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, lao động.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây