Quy định mới về chế độ nghỉ trong thời giờ làm việc

0
1237

So với quy định của bộ luật lao động cũ năm 2012 thì quy định trong bộ luật lao động năm 2019 về thời giờ làm việc đã có sự thay đổi.

      Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quy định về nghỉ trong giờ làm việc

Điều 109 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:

(i) Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

(ii) Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Bình luận quy định về nghỉ trong giờ làm việc

Về mặt sinh học lao động, khoảng thời gian làm việc liên tục do người lao động phải tập trung cao độ để thực hiện việc làm nên sức lao động giảm sút, mệt mỏi tăng lên, năng suất lao động thấp hơn. Vì thế, để giúp người lao động có thời gian thư giãn thần kinh, cơ bắp, thực hiện công việc có hiệu quả và thực tế pháp luật lao động các nước trên thế giới cũng quy định thì Bộ luật lao động ở các thời kỳ đều quy định thời gian nghỉ trong giờ làm việc.

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian người lao động tạm dừng thực hiện công việc để nghỉ ngơi, ăn uống hoặc thực hiện các nhu cầu cần thiết khác nhằm khôi phục sức lao động sau đó lại tiếp tục làm việc. So với quy định của bộ luật lao động cũ năm 2012 thì quy định trong bộ luật lao động 2019 đã có sự thay đổi.

Bộ luật lao động cũ năm 2012, tại Điều 108 quy định: “1) Người lao động làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. 2) Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất bốn năm phút, tính vào thời giờ làm việc”. Cụ thể quy định này, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 45/2013 hướng dẫn:

Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc quy định tại khoản 1và khoản 2 Điều 108 của Bộ luật lao động được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 8 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 6 giờ trong trường hợp được rút ngắn. Thời điểm nghỉ cụ thể cho người sử dụng lao động quyết định:

Thực tế thực hiện tại nhà doanh nghiệp trong thời gian qua đã có các cách kiểu không thống nhất về “thời gian làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ” để thời gian được nghỉ tính vào “thời gian làm việc”. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách tổ chức lao động theo các phương án làm việc trong ca không liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ để không tính thời gian nghỉ này là thời giờ làm việc cho người lao động. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, thậm chí đình công tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định rõ: Nếu người lao động có thời gian làm việc ban ngày theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục này được tính vào thời giờ làm việc. Còn nếu người lao động làm việc không theo ca liên tục đủ từ 06.00 trở lên trong một ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục này không được tính vào thời gian làm việc. Tương tự, trường hợp người lao động làm việc ban đêm thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục và được tính vào thời gian làm việc nếu điều kiện làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên. Nếu người lao động làm việc ban đêm, nhưng không làm việc theo ca liên tục từ 06.00 trở lên, thì dù được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục, nhưng thời gian nghỉ này không tính vào thời gian làm việc.

Như vậy, quy định mới trong Bộ luật lao động năm 2019 chặt chẽ và rõ ràng hơn, tạo ra cách hiểu thống nhất cho các doanh nghiệp, từ đó bảo đảm tốt hơn quyền lợi được nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động.

Ngoài thời gian nghỉ nêu trên, khoản 2 Điều 109 còn quy định người sử dụng lao động tùy vào điều kiện cụ thể của đơn vị, bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao khác và ghi vào nội quy lao động. Như vậy, cũng như các quy định khác về quyền lợi, pháp luật thì xác định ở mức tối thiểu, còn các mức thời gian nghỉ khác hoàn toàn cho người sử dụng lao động quyết định. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, các đợt nghỉ ngắn nên cho người sử dụng lao động thỏa thuận, thương lượng với tổ chức đại diện người lao động thương lượng tập thể và ghi trong thỏa ước lao động tập thể thay vì người sử dụng lao động quy định và ghi trong nội qui lao động như hiện nay để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây