Chế độ nghỉ bù của ngành thường trực y tế 24/24

0
3206

Nghỉ bù là một trong những quyền của người lao động, bài viết này sẽ đề cập tới chế độ nghỉ bù sau thường trực cho bác sĩ trực, tiền lương làm thêm và mức phụ cấp mà bác sĩ được hưởng khi thường trực tại cơ sở y tế công lập 24/24 giờ.

chế độ nghỉ bù của nhân viên y tế
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thời gian làm việc của nhân viên y tế

Thời gian làm việc của nhân viên y tế được đảm bảo thực hiện theo quy định về thời giờ làm việc bình thường theo Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Đơn vị sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần nhưng phải có sự thông báo trước cho người lao động biết, nếu làm việc theo tuần thì thời giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

Bên cạnh chế độ thời gian làm việc bình thường, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cả về việc làm thêm giờ tại Điều 107. Việc làm thêm giờ phải có sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp chế độ làm việc theo tuần thì tổng thời gian làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm trừ có quy định khác.

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ với tuyến đầu chính là các nhân viên y tế. Lao động trong lĩnh vực y tế thuộc nhóm việc quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động năm 2019 phải làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, nghĩa là người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm và người lao động không được từ chối, trong đó có các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa. Với đặc thù đó, pháp luật đặt ra những quy định về việc nghỉ bù, về tiền lương làm thêm giờ và chế độ hưởng phụ cấp.

Xem thêm bài viết: Quy định về thời gian nghỉ ngơi khi tăng ca và ca làm việc

Quy định về nghỉ bù với ngành thường trực y tế 24/24

Nghỉ bủ là sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Nghỉ bù khi thường trực y tế 24/24 giờ được quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg (về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch). Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ; trường hợp thiếu nhân thực, không thể bố trí người làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ, kể cả đối với các khoa, khu vực đặc biệt thì phải bố trí người lao động thường trực 24/24 giờ. Sau những ngày trực 24/24 giờ sẽ là thời gian nghỉ bù.

Quy định về nghỉ bù khi người lao động thường trực 24/24 giờ được đề cập tại điểm c, khoản 3 Điều 2 của Quyết định nêu trên. Nếu nhân viên y tế thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần sẽ được nghỉ bù 01 ngày; thường trực 24/24 giờ vào các ngày lễ, Tết sẽ được nghỉ bù 02 ngày. 

Việc nghỉ bù là hết sức cần thiết và quan trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người lao động. Nghỉ bù được luật quy định dựa nghiên cứu khoa học về thời lượng tối đa con người có thể lao động, sau quãng thời gian đó bắt buộc cơ thể phải được nghỉ ngơi. Nghỉ bù giúp lấy lại năng lượng, nghỉ bù giúp tâm lý thoải mái, nghỉ bù giúp tinh thần tinh tấn, nghỉ bù giúp giải tỏa stress, nói chung nghỉ bù đem lại nhiều lợi ích. Nếu không nghỉ bù cơ thể sẽ mệt mỏi, đầu óc cũng không thể tỉnh táo, tập trung cao độ, việc nghỉ bù vì thế lại càng đặc biệt quan trọng với người làm nghề y.

Xem thêm các nội dung pháp lý tại: Luật lao động – tư vấn pháp lý cho Người lao động

Cách tính lương làm thêm giờ cho bác sỹ trực

Bên cạnh việc nghỉ bù khi thực hiện công tác thường trực 24/24 giờ, thì khi huy động người lao động làm thêm giờ, đơn vị sử dụng lao động sẽ phải trả tiền lương làm thêm. Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

(i) Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương sẽ ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

(ii) Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

(iii) Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo hai điểm (i) và (ii) vừa đề cập, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Xem thêm bài viết: Quy định về tiền lương – thưởng ngày nghỉ lễ tết

Chế độ phụ cấp thường trực

Phụ cấp là gì?

Đối với ngành thường trực y tế 24/24 thì ngoài việc được nghỉ bù sau khoảng thời gian làm thường trực thì nhân viên y tế sẽ được hưởng phụ cấp. Phụ cấp là khoản tiền mà người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động hay mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt…chưa được tính đến hay tính chưa đầy đủ trong mức lương. 

Mức hưởng chế độ phụ cấp

Mức hưởng chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ được quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định số 72/2011/QĐ-TTg. Cụ thể: 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y. 

Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định vừa đề cập; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng bằng 1,8 lần mức quy định trên. 

Trong tình hình dịch bệnh, mức hưởng chế độ phụ cấp thường trực khi chống dịch được quy định tại khoản 2, Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg. Theo đó, mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ vào ngày thường là 100.000 đồng/ngày/người, áp dụng cho tất cả các loại dịch; nếu rơi vào ngày nghỉ hằng tuần thì sẽ bằng 1,3 lần mức phụ cấp vào ngày thường; nếu vào ngày lễ, ngày Tết sẽ được hưởng 1,8 lần mức phụ cấp vào ngày thường. 

Trên đây là toàn bộ bài viết về chế độ nghỉ bù của ngành thường trực y tế 24/24, nghỉ bù là quyền của người lao động, việc thực hiện nghỉ bù là trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Khi việc nghỉ bù không được đảm bảo, người lao động có quyền thực hiện các biện pháp để người sử dụng lao động thực hiện đúng trách nhiệm cho nghỉ bù của mình.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây