Quy định mới về lương, thưởng: Người lao động cần biết

0
1249

Lương, thưởng là lợi ích vật chất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Dưới đây là một số quy định mới trong Bộ luật lao động năm 2019 về lương, thưởng mà người lao động cần biết.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Không được ép người lao động dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc đơn vị khác

Khoản 2 Điều 94 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau: “Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định”.

Khác với Bộ luật lao động năm 2019, Bộ luật lao động 2012 trước đây tại Điều 96 không có quy định này. Có thể thấy, theo quy định mới, người lao động có toàn quyền tự quyết chi tiêu lương của mình mà không bị hạn chế hay can thiệp bởi người sử dụng lao động.

Phải thông báo bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương

Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc trả lương cho người lao động như sau: “Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)”.

Quy định này được đánh giá là một nội dung mới so với Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, Bộ luật lao động năm 2019 còn quy định rõ người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng

Khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hình thức trả lương, theo đó: “Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương”.

Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản. Như vậy, từ năm 2021, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả phí mở tài khoản và phí chuyển tiền lương đối với hình thức trả lương cho người lao động qua tài khoản ngân hàng.

Chậm trả lương trên 15 ngày, người lao động được nhận thêm một khoản tiền

Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.

Như vậy, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Đây là quy định mới so với Bộ luật Lao động năm 2012.

Thêm thời gian người lao động được nghỉ lễ Quốc khánh và hưởng nguyên lương

Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ cho phép người lao động được nghỉ lễ Quốc khánh hưởng nguyên lương trong 01 ngày (ngày 2/9 dương lịch). Tuy nhiên theo quy định mới tại Bộ luật lao động năm 2019, điểm đ Khoản 2 Điều 112 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ lễ, tết thì: “1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:……………đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau)”.

Như vậy người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 02 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).

Bổ sung trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương

Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau: “1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây: a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày; c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết”.

Như vậy, so với Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung thêm trường hợp người lao động nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương là trường hợp: “cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết”. Tuy nhiên, để được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động.

Bổ sung quy định về tiền lương ngừng việc

Khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động năm 2019 quy định cụ thể trường hợp phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: “3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu; b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Trước đây, Bộ luật lao động năm 2012 chỉ quy định tiền lương ngừng việc trong trường hợp nêu trên sẽ do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Khoản 3 Điều 98.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn

Điểm b Khoản 2 Điều 35 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động khi: “b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này” và Khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về kỳ hạn trả lương thì: “4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.

Như vậy người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền do chậm trả lương. Đây là một quy định mới so với Bộ luật lao động năm 2012 bởi trước đây, tại Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 quy định người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động nhưng phải bảo đảm thời hạn thông báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày làm việc.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây