Thời giờ nghỉ ngơi của người lao động – hiểu thế nào cho đúng luật

0
2738

Người lao động tham gia làm việc được quy định cụ thể về thời giờ làm việc. Và đương nhiên là phải có những thời gian được nghỉ ngơi. Thời giờ nghỉ ngơi là một minh chứng cho lợi ích của người lao động, bên cạnh đó thời gian nghỉ ngơi này cũng mang lại nhiều lợi ích “ngầm” cho doanh nghiệp. Cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết dưới đây!

sử dụng lao động
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thời giờ nghỉ ngơi là gì?

Thời giờ nghỉ ngơi là thời gian theo quy định hoặc theo thoả thuận, người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động, có quyền tự do sử dụng theo nhu cầu của mình.

Trong lịch sử và cho đến nay, đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi hợp lí là mục tiêu mà pháp luật nhiều nước trên thế giới theo đuổi. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có nhiều công ước về thời giờ nghỉ ngơi của người lao động (Công ước số 106 năm 1957, Công ước số 132 năm 1970…)…

Theo quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động bao gồm: nghỉ giữa ca (ít nhất nửa giờ, ca đêm ít nhất 45 phút), nghỉ chuyển ca (ít nhất 12 giờ), nghỉ hàng tuần (ít nhất một ngày – 24 giờ liên tục), nghỉ ngày lễ, nghỉ hàng năm; nghỉ về việc riêng. Ngoài ra, các bên có thể thoả thuận nghỉ không hưởng lương. Tuỳ từng trường hợp, người lao động có thể được hưởng một số quyền lợi trong thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật, như: được hưởng tiền lương, được tính là thời gian làm việc để giải quyết các chế độ khác…

Cơ sở khoa học của việc quy định thời giờ nghỉ ngơi trong quan hệ lao động

Cơ sở sinh học

Để tồn tại, con người phải lao động. Tuy nhiên, về mặt sinh học, lao động với nội dung và hình thức nào thì cũng là sự tiêu hao trí não, thần kinh, cơ bắp, cơ quan cảm giác… nên đến một giới hạn nhất định sẽ xuất hiện cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, do đó, phải có giới hạn để đảm bảo khả năng nghỉ ngơi và phục hồi.

Mặt khác, dưới góc độ tâm lí, trong hoạt động lao động không tránh khởi mệt mỏi tâm lí do sự tri giác quá lâu, các cơ quan nhạy cảm bị ức chế dẫn đến cảm giác nhàm chán, đơn điệu, thiếu hứng thú làm việc. Để giải toả hiện tượng đó cũng đòi hỏi phải chuyển sự chú ý của hệ thần kinh sang loại hoạt động khác mang tính tự do, càng khác với hoạt động lao động càng tốt.

Như vậy, thòi giờ làm việc là có giới hạn và yêu cầu được nghỉ ngơi là nhu cầu sinh lí tự nhiên. Từ đó đòi hỏi phải có sự bố trí thời giờ lao động và nghỉ ngơi hợp lí, đảm bảo nhu cầu tự nhiên của con người và hiệu quả của lao động.

Cơ sở kinh tế-xã hội

Điều kiện kinh tế-xã hội, trong đó năng suất lao động và nhu cầu của con người là nhân tố quan trọng, quyết định nhất đến việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cụ thể của người lao động. Với khối lượng công việc và nhân công nhất định, thời gian hoàn thành công việc nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào năng suất lao động. Nếu nắng suất lao động thấp, người ta sẽ mất nhiều thời gian lao động hơn và ngược lại, nếu năng suất lao động cao đương nhiên thời gian lao động sẽ ít đi, nhu cầu nghỉ ngoi nhiều hơn.

Trước đây, do trình độ khoa học-kĩ thuật còn yếu, năng suất lao động thấp nên thời giờ làm việc của người lao động còn kéo dài (14 – 16 giờ/ngày). Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học-kĩ thuật, lao động chân tay đã được thay thế dần bởi phương tiện, máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất lao động, đời sống người dân dần được cải thiện, dẫn đến nhu cầu giảm giờ làm, tăng thời giờ nghỉ ngơi. Điều này đã được đánh dấu bằng việc quy định thời giờ làm việc tối đa không quá 8 giờ/ngày hoặc 40 giở/tuần ở hầu hết các quốc gia, thậm chí một số quốc gia còn quy định thời gian làm việc ít hơn, để tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cụ thể ở các quốc gia khác nhau đều chủ yếu dựa trên cơ sở điều kiện phát triển của kinh tế với yếu tố quan trọng là năng suất lao động ở từng giai đoạn. Bên cạnh đó, các yếu tố xã hội, phong tục tập quán… cũng có những tác động nhất định. Điều này cũng lí giải cho một thực tế là thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của các quốc gia khác nhau có sự khác nhau, thậm chí ngay ở các quốc gia được đánh giá có trình độ kinh tế-xã hội tương đương nhau vẫn có sự khác nhau nhất định.

Cơ sở pháp lý

Từ việc nhận thức làm việc và nghỉ ngơi là quyền cơ bản của người lao động trong quan hệ lao động, pháp luật quốc tế cũng như các quốc gia đều ghi nhận quyền này trong các văn bản pháp lí có giá trị cao.

Trên phương diện pháp luật quốc tế, người lao động trên thế giới được hưởng chung khung thời gian làm việc nghỉ ngơi do các tổ chức quốc tế toàn cầu như Liên họp quốc (UN), Tổ chức Lao động quốc tế… đưa ra. về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, Tổ chức Lao động quốc tế đã đưa ra nhiều công ước và khuyến nghị quan trọng..

Giống như hầu hết các quốc gia khác, Việt Nam cũng ghi nhận quyền làm việc và nghỉ ngơi trong văn bản có giá trị pháp lí cao nhất – Hiến pháp ở các giai đoạn và rất nhiều các văn bản luật khác. Trong lĩnh vực lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là một chương độc lập trong Bộ luật lao động năm 2019 (Chương VII) với những quy định chung. Đây là cơ sở pháp lí quan trọng để các đơn vị sử dụng lao động cụ thể hoá chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp với điều kiện riêng của đơn vị mình.

Để tìm hiểu pháp luật trên thế giới và Việt Nam quy định cụ thể ra sao về thời giờ nghỉ ngơi, quí vị xem thêm tại đây: Thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thời giờ nghỉ ngơi được hưởng lương

Theo quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động bao gồm: nghỉ giữa ca (ít nhất nửa giờ, ca đêm ít nhất 45 phút), nghỉ chuyển ca (ít nhất 12 giờ), nghỉ hàng tuần (ít nhất một ngày – 24 giờ liên tục), nghỉ ngày lễ, nghỉ hàng năm; nghỉ về việc riêng.

Thời giờ nghỉ giữa ca (nghỉ giải lao)

Theo quy định của Pháp luật lao động, thì thời giờ nghỉ giữa ca được tính như sau:

(i) Người lao động làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc thì được nghỉ ít nhất nửa giờ (30 phút), tính vào giờ làm việc; Ngoài ra, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.

(ii) Người làm ca đêm ( từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ) được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc;

Lưu ý: Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

Nghỉ hàng tuần

Mỗi tuần lễ, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục), thường là vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, đối với những cơ quan, xí nghiệp do yêu cầu của sản xuất, công tác hoặc phục vụ nhân dân đòi hỏi phải làm việc liên tục cả tuần, kể cả chủ nhật thì người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào một ngày khác trong tuần cho từng nhóm người lao động khác nhau.

Trường hợp do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động chế độ nghỉ bù thỏa đáng. Tính bình quân mỗi tháng, người lao động được nghỉ ít nhất 4 ngày.

Các ngày nghỉ lễ, tết 

Trong một năm, người lao động được nghỉ lễ, tết tất cả là 8 ngày, cụ thể là những ngày sau đây:

(i) Tết dương lịch: 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch);

(ii) Tết âm lịch: 5 ngày (do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch)

(iii) Ngày Chiến thắng 30/4: 1 ngày;

(iv) Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch);

(v) Ngày Quốc khánh: 1 ngày ( ngày 2 tháng 9 dương lịch).

(vi) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo. Ngoài ra, nếu người lao động là người nước ngoài thì họ được nghỉ thêm 1 ngày quốc khánh và 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc họ (nếu có).

Có thể thấy số lượng ngày nghỉ lễ, tết theo pháp luật Việt nam quy định là khá nhiều, vậy chế độ lương cho những ngày nghỉ ngày có được đảm bảo không, xem thêm: Tại đây

Nghỉ hàng năm

Người lao động được nghỉ hàng năm khi họ làm việc được ít nhất 12 tháng liên tục tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động.

Các thời gian sau đây cũng được coi là thời gian công tác liên tục :

(i) Thời gian được cơ quan, xí nghiệp cử đi học văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ;

(ii) Thời gian nghỉ hưởng lương ngừng việc, thời gian báo trước để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

(iii) Thời gian nghỉ ốm, thời gian con ốm mẹ được nghỉ theo chế độ;

(iv) Thời gian nghỉ điều trị do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

(v) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc tạm giam trong giai đoạn điều tra hình sự, nhưng sau đó được miễn truy tố và trở lại đơn vị làm việc bình thường.

Những người lao động nghỉ việc không được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì không được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm trong năm đó. Nếu lỗi nhẹ thì người lao động nghỉ ngày nào sẽ bị trừ vào số ngày nghỉ hàng năm năm đó; trường hợp lỗi nặng đến mức bị xử lý đến hình thức kỷ luật, thì năm đó người lao động có thể không được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm nữa. Ngoài ra, nếu người lao động nào có tổng số ngày nghỉ ốm trong năm đó cộng lại quá 3 tháng thì cũng không được hưởng chế độ nghỉ hàng năm.

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật lao động nước ta thì thời gian nghỉ hàng năm được chia ra làm 3 mức là : 12, 14 và 16 ngày, cụ thể như sau:

(i) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

(ii) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;

(iii) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

Thời gian đi đường không tính vào ngày nghỉ hàng năm. Số ngày nghỉ hàng năm của người lao động còn được tăng theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp, hoặc với một người sử dụng lao động, cứ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày. Trong thời gian nghỉ hàng năm, người lao động được hưởng nguyên lương cộng phụ cấp lương. Ngoài ra, người lao động còn được thanh toán tiền tàu xe đi và về (nếu có).

Nghỉ việc riêng

Nghỉ về việc riêng là quy định của pháp luật lao động nhằm giải quyết cho người lao động được nghỉ việc để giải quyết tình cảm cá nhân hoặc gia đình họ. Thời gian nghỉ về việc riêng không quá 3 ngày lao động.

Người lao động được nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau đây:

(i) Kết hôn, nghỉ 3 ngày;

(ii) Con kết hôn, nghỉ 1 ngày;

(iii) Bố mẹ ruột (cả bố mẹ bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ 3 ngày.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Chế độ nghỉ không lương

Trong cuộc sống có đôi khi người lao động không thể tránh khỏi có công việc riêng mà xin nghỉ, pháp luật quy định tạo điều kiện để người lao động có thể xin nghỉ để làm việc riêng của họ, trong đó có những ngày nghỉ vẫn được hưởng lương và ngoài ra còn có thể xin nghỉ không lương. Cụ thể Điều 116 Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định về chế độ nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

Khi nào người lao động nghỉ không lương

Người lao động có thể xin nghỉ không hưởng lương trong 02 trường hợp:

(i) Một là liên quan đến công việc của người thân trong nhà đã được pháp luật quy định cụ thể;

(ii) Hai là do thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Để tìm hiểu rõ hơn về quy định khi nào người lao động nghỉ không lương, mời quí vị xem thêm: Người lao động nghỉ việc không lương, cần biết

Doanh nghiệp có được từ chối người lao động nghỉ không lương hay không?

Người lao động có thể xin nghỉ không hưởng lương trong hai trường hợp đã nêu trên, nên từ phía doanh nghiệp, việc từ chối cũng xét hai trường hợp sau:

(i) Trong trường hợp người lao động nghỉ không hưởng lương và đã thông báo với doanh nghiệp mà doanh nghiệp không cho phép người lao động nghỉ không hưởng lương là không phù hợp với quy định của pháp luật.

(ii) Trong trường hợp người lao động đề xuất thỏa thuận nghỉ không hưởng lương với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có quyền xem xét đề xuất của người lao động và quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận. Doanh nghiệp không chấp thuận đề xuất của người lao động thì cũng không vi phạm pháp luật.

Cụ thể trong hai trường hợp trên nếu vi phạm doanh nghiệp có thể bị chịu những chế tài nào, mời quí vị xem thêm Tại đây

Một số giải đáp về vấn đề thời giờ nghỉ ngơi của người lao động

Câu hỏi 1: Người lao động có thể từ chối làm thêm giờ không?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 108 Bộ Luật Lao động năm 2019

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm thêm giờ để thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì người lao động có quyền từ chối 

Câu hỏi 2: Trường hợp nào không giới hạn số giờ làm thêm cho người lao động?

Trả lời:

Điều 108 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu Người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:

  • Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Câu hỏi 3: Người lao động cao tuổi có được rút ngắn thời giờ làm việc hàng ngày không?

Trả lời:

Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Như vậy người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Như vậy, việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian theo Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ do người sử dụng lao động quyết định)

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây