Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật

0
1479

Các khoản trợ cấp hiện nay cho người lao động bao gồm: trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp. Đây là những khoản tiền trợ cấp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ việc họ sẽ nhận được. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng hiểu rõ quy định pháp luật về các khoản trợ cấp này dẫn tình trạng không được hưởng trợ cấp, hoặc nhận không đúng, đủ các khoản trợ cấp. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn phân biệt rõ quy định của pháp luật hiện nay về trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp.

Trợ cấp thôi việc và thất nghiệp khác nhau ở chỗ nào?
           Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Trợ cấp thôi việc là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 thì:

“Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”.

Qua quy định trên có thể suy ra: Trợ cấp thôi việc được hiểu là một khoản tiền trợ cấp mà người lao động sẽ được nhận từ người người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động theo các trường hợp được pháp luật quy định.

Để biết thêm chi tiết về vấn đề trợ cấp thôi việc, vui lòng xem thêm bài viết: Trợ cấp thôi việc là gì và quy định pháp luật về trợ cấp thôi việc

Trợ cấp thất nghiệp là gì?

Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 quy định: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 42 Luật việc làm năm 2013 liệt kê các chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

(i) Trợ cấp thất nghiệp.

(ii) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

(iii) Hỗ trợ Học nghề.

(iv) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Có thể thấy trợ cấp thất nghiệp là một chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Thông qua các quy định trên có thể hiểu: Trợ cấp thất nghiệp chính là một khoản tiền trợ cấp mà cơ quan bảo hiểm xã hội phải trả nhằm hỗ trợ người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm.

Để biết thêm chi tiết về vấn đề trợ cấp thất nghiệp, vui lòng xem thêm bài viết:: Đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong dịch Covid-19

Phân biệt những điểm khác nhau giữa trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp

Về cơ bản, trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp đều là những khoản tiền trợ cấp mà người lao động sẽ được nhận sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, chúng lại có rất nhiều điểm khác nhau trong quy định của pháp luật. Do đó để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động cần chú ý một số đặc điểm để phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp.

Tiêu chí Trợ cấp thôi việc Trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ pháp lý Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019

Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Chương 6 Luật Việc làm năm 2013
Đối tượng chi trả Người sử dụng lao động Cơ quan bảo hiểm xã hội
Điều kiện hưởng Phải đảm bảo 2 điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Lao động năm 2019. Bao gồm:

– Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

– Chấm dứt hợp đồng do một trong các trường hợp sau:

(i) Hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019.

(ii) Hoàn thành công việc theo hợp đồng.

(iii) Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

(iv) Người lao động bị kết án tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng.

(v) Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

(vi) Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

(vii) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.

(viii) Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

Lưu ý: Trừ trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động bị chấm dứt hợp đồng do tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng.

Phải đảm bảo đồng thời 4 điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013. Bao gồm:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…

Thời gian tính hưởng trợ cấp – Thời gian tính trợ cấp = Tổng thời gian làm việc thực tế – Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

– Thời gian này được tính theo năm (đủ 12 tháng) và làm tròn như sau:

(i) Có tháng lẻ ít hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm;

(ii) Trên 06 tháng được tính bằng 01 năm.

Tính theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp:

(i) Đóng đủ 12 – 36 tháng: Hưởng 03 tháng trợ cấp;

(ii) Cứ thêm đủ 12 tháng: Thêm 01 tháng;

(iii)Tối đa 12 tháng.

Tiền lương tính trợ cấp Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc. Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
Mức hưởng Mức hưởng = ½ x Thời gian tính hưởng trợ cấp x Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc. Mức hưởng hằng tháng = 60% x Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
Giới hạn mức hưởng Không giới hạn – Tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hằng tháng: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

–  Tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng hằng tháng:  Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem thêm bài viết:: Phân biệt trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp mất việc làm

Người lao động có thể nhận đồng thời cả trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp

Trong một số trường hợp người lao động khi nghỉ việc vẫn có thể nhận đồng thời cả trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Chẳng hạn: 

(i) Đi làm trước ngày 01/01/2009

Căn cứ Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 thì: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Có thể thấy, về nguyên tắc, nếu đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa. 

Tuy nhiên, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với cả người lao động và người sử dụng lao động khi ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên (Trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Quy định này mới chỉ được áp dụng từ ngày 01/01/2009. Do đó, người lao động nếu đi làm trước 01/01/2009 thì có thể không cần phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

(ii) Có thời gian thử việc

Khoản 1 Điều 44 Luật Việc làm năm 2013 có quy định: Kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực thì người sử dụng lao động sẽ phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày. Từ quy định này có thể suy ra, trong quá trình người lao động làm việc cũng có sẽ những khoảng thời gian mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ví dụ như thời gian thử việc.

Đồng thời, Điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định rằng: Thời gian thử việc vẫn được tính vào tổng thời gian làm thực tế để tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Do đó, trong trường hợp cụ thể, người lao động khi nghỉ việc vẫn có thể nhận đồng thời cả trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem thêm bài viết:: Những đối tượng nào bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây