Những điểm mới trong quy định pháp luật về trợ cấp thôi việc

0
599

Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định một số điểm mới về trợ cấp thôi việc. Chẳng hạn như: có sự thay đổi về trường hợp hưởng trợ cấp thôi việc, bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc, quy định về thời gian không tính trợ cấp thôi việc.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Trợ cấp thôi việc là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 thì:

“Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”.

Qua quy định trên có thể suy ra: Trợ cấp thôi việc được hiểu là một khoản tiền trợ cấp mà người lao động sẽ được nhận từ người người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động theo các trường hợp được pháp luật quy định.

Những điểm mới trong quy định của pháp luật về trợ cấp thôi việc

Thứ nhất, thay đổi về trường hợp hưởng trợ cấp thôi việc

So sánh với quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng đề cập đến vấn đề là khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Tuy nhiên, Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung một số quy định mới về trường hợp chấm dứt hợp đồng sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Gồm có, chấm dứt hợp đồng khi:

(i) Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

(ii) Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại Khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

(iii) Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Bên cạnh bổ sung trường hợp mới, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng loại bỏ một số đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. Đó là người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ hai, bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc

Điểm mới thứ hai quy định về trợ cấp thôi việc đó là:

Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ liệt kê các điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc mà không quy định các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, đến Điều 46 Bộ luật lao động năm 2019 đã đề cập đến các trường hợp không được trợ cấp thôi việc được quy định cụ thể gồm:

(i) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu 

Căn cứ theo Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được sửa bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 thì: Người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở trở lên và đủ tuổi theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019.

(ii) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên 

Theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp được coi là lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động. Nếu không thuộc các trường hợp này mà tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

Đồng thời, căn cứ vào Điều 46, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, các trường hợp dưới đây cũng không được hưởng trợ cấp thôi việc gồm:

(iii) Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(iv) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

Thứ ba, quy định về thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Từ quy định trên có thể suy ra, thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc bao gồm:

(i) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

(ii) Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Để biết thêm chi tiết về trợ cấp thôi việc, vui lòng xem thêm bài viết: Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây