Quy định của pháp luật về hiệu lực của thỏa ước tập thể

0
1524

Thoả ước lao động tập thể có hiệu lực từ ngày hai bên thoả thuận ghi trong thoả ước, trường hợp hai bên không thoả thuận thì thoả ước có hiệu lực từ ngày kí.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về hiệu lực về thời gian trong thỏa ước lao động tập thể

Điều 76, Bộ luật lao động năm 2012, quy định về hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể như sau:

“Điều 76. Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể: Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể được ghi trong thoả ước. Trường hợp thoả ước lao động tập thể không ghi ngày có hiệu lực thì có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết”.

Như vậy, thoả ước lao động tập thể có hiệu lực từ ngày hai bên thoả thuận ghi trong thoả ước, trường hợp hai bên không thoả thuận thì thoả ước có hiệu lực từ ngày kí. Khi thoả ước lao động tập thể có hiệu lực pháp luật, người sử dụng lao động phải thông báo cho mọi người lao động trong doanh nghiệp biết. 

Mọi người lao động trong doanh nghiệp kể cả những người vào làm việc sau ngày thoả ước đã được kí kết đều có trách nhiệm thực hiện thoả ước. Trường hợp quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong hợp động lao động đã giao kết trước ngày thoả ước có hiệu lực pháp luật thấp hơn các quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể thì phải thực hiện những quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể. Những quy định của người sử dụng lao động về lao động chưa phù hợp với thoả ước lao động tập thể thì phải sửa đổi lại cho phù hợp với thoả ước lao động tập thể trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thoả ước lao động tập thể có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp nội dung của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp hoặc quy định của người sử dụng lao động về quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp thấp hơn những nội dung được quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể ngành thì phải sửa đổi bổ sung thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày thoả ước tập thể ngành có hiệu lực. Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thoả ước lao động tập thể ngành nhưng chưa xây dựng thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp thì có thể xây dựng thêm thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp với những điều khoản có lợi cho người lao động so với quy định của thoả ước lao động tập thể ngành.

Thời hạn của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp là từ 1 đến 3 năm. Riêng đối với doanh nghiệp lần đầu tiên kí kết thoả ước, do chưa có kinh nghiệm trong việc kí kết thoả ước nên những thoả thuận trong thoả ước dễ không phù hợp và không sát với thực tế nên có thể kí kết thoả ước với thời hạn dưới 1 năm để tiện cho việc sửa đổi, bổ sung thoả ước. Thời hạn của thoả ước lao động tập thể ngành là từ 1 đến 3 năm.

Trong thời hạn 3 tháng trước ngày thoả ước tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn thoả ước hoặc kí kết thoả ước mới. Khi thoả ước tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng thì thoả ước tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong khoảng thời gian không quá 60 ngày.

Trong quá trình thực hiện thoả ước, nếu thấy các điều khoản của thoả ước không còn phù hợp với thực tế, các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước. Theo Điều 77, Bộ luật lao động năm 2012 thì sau 3 tháng thực hiện đối với thoả ước có thời hạn dưới 1 năm và sau 6 tháng thực hiện đối với thoả ước có thời hạn từ 1 đến 3 năm, các bên được quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước. Việc sửa đổi bổ sung thoả ước được tiến hành theo trình tự như khi kí kết thoả ước. Trường hợp quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thoả ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì hai bên phải tiến hành sửa đổi bổ sung thoả ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực. Trong thời gian tiến hành việc sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể thì quyền lợi của NLĐ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quy định về hiệu lực của thoả ước trong trường hợp doanh nghiệp có sự thay đổi

Trong cơ chế kinh tế thị trường, sự thay đổi của doanh nghiệp là điều tất yếu và khó tránh khỏi. Sự thay đổi đó được thể hiện dưới các dạng như hợp nhất, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lí hoặc sử dụng tài sản… Tuy nhiên, sự thay đổi của doanh nghiệp trong những trường hợp này sẽ kéo theo sự thay đổi trong việc tổ chức và quản lí lao động, trong việc áp dụng các điều kiện lao động và sử dụng lao động. Vì vậy mà những cam kết trong thoả ước lao động tập thể về cơ bản sẽ không phù hợp nữa. Bởi vậy, khi đó đòi hỏi người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở phải căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung hoặc kí kết thoả ước tập thể mới.

Điều 86 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định: “Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lí, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp và đại diện tập thể lao động căn cứ vào phương án sử dụng lao động để lựa chọn việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể cũ hoặc thương lượng để kí kết thoả ước lao động tập thể mới. Trường hợp thoả ước lao động tập thể hết hiệu lực do người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động thì quyền lợi của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động”.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây