Vai trò của thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể

0
1472

Có thể nói, thỏa ước lao động tập thể là một sự tiến bộ xã hội, thừa nhận quyền của mọi người lao động thông qua người đại diện của mình là công đoàn. Vậy, vai trò của thỏa ước lao động tập thể đối với mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp ra sao?

Luật sư tư vấn pháp luật lao động – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài (24/7): 1900 6198

Thỏa ước lao động tập thể là gì?

Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật lao động năm 2012 “Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định”.

Theo đó, thỏa ước lao động được hình thành từ sự thỏa thuận, thương lượng giữa tập thể người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các vấn đề như: An toàn, vệ sinh lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng…

Thỏa ước lao động tập thể là một sự tiến bộ xã hội, thừa nhận quyền của mọi người làm công ăn lương, được thông qua người đại diện của mình là công đoàn để xác định một cách tập thể những điều kiện lao động, đặc biệt là những điều kiện có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động, đó là một trong những tiêu chí cơ bản của vấn đền nhân quyền.

Vai trò của thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp

Thứ nhất: Thỏa ước lao động tập thể, thể hiện trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. người sử dụng lao động và người lao động luôn có sự mâu thuẫn về lợi ích.

Tuy nhiên, dưới góc độ nào đó thì NSDLĐ và NLĐ đều cần có nhau để đạt được mục đích của mình. NSDLĐ cần đến sức lao động của NLĐ để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua đó kiếm lời. Còn NLĐ cũng cần cung ứng sức lao động của mình cho NSDLĐ để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, hiệu quả của sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của chủ lao động cũng như thu nhập của NLĐ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của các bên và việc các bên thực hiện các cam kết của mình trên thực tế.

Thứ hai:  Thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh không cần thiết, tạo ra những điều kiện cho sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Có thể thấy, thỏa ước lao động tập thể tạo điều kiện cho NLĐ được bình đẳng trong mối quan hệ với NSDLĐ bằng cách tạo điều kiện để họ có có được những thỏa thuận có lợi hơn so với quy định của pháp luật và hạn chế được những yêu sách bất lợi từ phía NSDLĐ.

Từ đó, những mâu thuẫn, xung đột và tranh chấp trong quan hệ lao động cũng được ngăn ngừa tối đa. Bên cạnh đó, thông qua thỏa ước lao động tập thể sẽ thống nhất được chế độ lao động đối với những NLĐ cùng một ngành nghề, công việc, trong cùng một doanh nghiệp, một vùng, một ngành (nếu là thỏa ước vùng, ngành).

Như vậy sẽ loại trừ được sự cạnh tranh không chính đáng, nhờ sự đảm bảo phụ cấp xã hội trong các bộ phận doanh nghiệp, trong các doanh nghiệp cùng loại ngành nghề, công việc (nếu là thỏa ước ngành).

Thứ ba: Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét giải quyết tranh chấp lao động. Tranh chấp lao động bao gồm hai loại: Tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.

Đối với tranh chấp lao động cá nhân, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các điều khoản hai bên đã ký kết để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh hợp đồng lao động, thì thỏa ước lao động tập thể cũng là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ, cơ quan trước hết sẽ xem xét những thỏa thuận trong hợp đồng có phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hay không. Nếu thỏa thuận trong hợp đồng lao động trái với thỏa ước lao động tập thể và gây bất lợi cho NLĐ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy định trong thỏa ước lao động tập thể để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Mặt khác, tranh chấp lao động tập thể thường là những tranh chấp về thỏa ước. Do đó, trong trường hợp này, thỏa ước lao động tập thể đương nhiên là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp đó.

Thứ tư: Thỏa ước lao động tập thể là nguồn quy phạm đặc biệt bổ sung cho luật lao động. Về bản chất, thỏa ước lao động tập thể vừa mang tính chất hợp đồng (thỏa thuận, thương lượng) vừa mang tính chất quy phạm, do đó thỏa ước lao động được coi là “bộ luật con” của doanh nghiệp. Thỏa ước tập thể không chỉ đơn thuần là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật mà nó còn góp phần cho việc bổ sung, hoàn thiện pháp luật lao động.Trong thỏa ước lao động tập thể, những điều kiện làm việc được ấn định theo phương pháp tiến bộ và dân chủ hơn bởi thỏa ước là kết quả của sự thương lượng giữa tập thể NLĐ và NSDLĐ.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây