Nội dung đối thoại xã hội trong quan hệ lao động bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của các bên hoặc các lợi ích khác được các bên chủ thể chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến.
Trên thế giới, nội dung đối thoại xã hội được pháp luật đề cập khác nhau ở các quốc gia. Thông thường, ở những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, có truyền thống dân chủ với sự tham gia của các đối tác xã hội vào quá trinh hoạch định và thực hiện chính sách pháp luật thì nội dung đối thoại xã hội thường rộng, có thể là bất kì nội dung nào về kinh tế, xã hội liên quan đến quan hệ lao động hoặc vấn đề mà các bên quan tâm. Ví dụ, các chính sách chung về kinh tế, xã hội; chương trình cải cách luật lao động; chính sách tiền lương, bao gồm cả việc ấn định mức lương tối thiểu; tăng năng suất lao động; an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp; đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chính sách an sinh xã hội;… Trong khi đó, ở những quốc gia kinh tế thị trường chưa phát triển thì nội dung của đối thoại xã hội thường chỉ giới hạn trong những vấn đề về lao động và quan hệ lao động, như: xác định tiền lương, bao gồm cả mức lương tối thiểu, điều kiện lao động, chính sách thị trường lao động, giải quyết tranh chấp lao động,… Tuy nhiên, trong thực tế, việc xác định các vấn đề về lao động và các vấn đề về kinh tế, xã hội nói chung chỉ mang tính chất tương đối. Có những vấn đề vừa được xem là chính sách lao động, đồng thời cũng là vấn đề kinh tế xã hội, ví dụ xác định lương tối thiểu. Song cũng có những vấn đề được xem là chính sách kinh tế như các chương trình cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế, cũng lại là nội dung của đối thoại xã hội bởi nội dung này có ảnh hưởng tới lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
Tổ chức Lao động quốc tế với tư cách là tổ chức đóng vai trò thúc đẩy, phổ biến và hướng dẫn về đối thoại xã hội, đã nêu nhiều vấn đề thuộc nội dung đối thoại xã hội trong các công ước và khuyến nghị của mình. Theo đó, Tổ chức này luôn nhấn mạnh rằng, chủ đề của đối thoại xã hội có thể là bất cứ vấn đề nào về kinh tế, xã hội được chính phủ và các đối tác xã hội cùng quan tâm.
Trên cơ sở quy định của Tổ chức Lao động quốc tế, pháp luật Việt Nam quy định nội dung đối thoại thông thường là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên phát sinh trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. Bởi, người sử dụng lao động khi tham gia quan hệ lao động là nhằm hướng đến mục đích doanh thu, lợi nhuận. Để đạt được mục đích này, họ đặt ra các yêu cầu, quy định các nguyên tắc để buộc người lao động phải tuân theo. Còn bên người lao động , mục đích của việc “bán” sức lao động là nhằm mang lại thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời trong quá trình lao động họ phải luôn được bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khoẻ, nghỉ ngơi… Các đối quyền và nghĩa vụ, lợi ích này là những vấn đề dễ xảy ra bất đồng, tranh chấp nên cần phải bảo đảm sự đồng thuận hoặc chấp nhận với thái độ hoà bình. Bởi vậy, nếu các nội dung này được bàn bạc, ưao đổi và cùng đưa ra cách giải quyết thoả đáng thì không chỉ dễ dàng điều hoà, giải quyết các mối quan tâm chung mà còn hoá giải được các mâu thuẫn, xung đột tiềm ẩn.
Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật lao động năm 2019, nội dung đối thoại tại nơi làm việc bao gồm các nội dung bắt buộc và nội dung lựa chọn. Các nội dung đối thoại bắt buộc thông thường là các vụ việc theo quy định, như: xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động; xây dựng quy chế thưởng, xây dựng nội quy lao động;… Ngoài những nội dung bắt buộc, các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung để tiến hành đối thoại, như: tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thoả thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; yêu cầu của người lao động , tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động , tổ chức đại diện người lao động; nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
- Phân loại đối thoại xã hội trong quan hệ lao động
- Đối thoại xã hội trong quan hệ lao động là gì?
- Thời gian giải quyết các tranh chấp trong quan hệ lao động
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.