Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, lao động nữ mang thai không bị xử lý kỷ luật lao động. Pháp luật quy định như vậy là để đảm bảo việc làm cũng như khả năng kinh tế cho người lao động nữ chuẩn bị bước vào giai đoạn nuôi con nhỏ.
Lao động nữ mang thai là một trong những đối tượng được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt như: không phải làm thêm giờ hoặc đi công tác xa, được chuyển làm công việc nhẹ nhàng hơn,… Tuy nhiên, nếu lao động nữ mang thai có các hành vi vi phạm nội quy của công ty mà không có lí do chính đáng thì có bị xử lý kỉ luật hay không?
Theo quy định tại Điều 118 Bộ Luật Lao động 2012: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động”.
Xử lý kỷ luật lao động là quá trình người sử dụng lao động xem xét và giải quyết về việc người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động bằng cách buộc họ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật do nhà nước quy định. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người lao động, tránh sự lạm quyền của người sử dụng lao động đồng thời để bảo đảm cho việc xử lý kỷ luật lao động được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, pháp luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chi tiết về các nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động.
Thứ hai, về kỷ luật lao động đối với lao động nữ mang thai:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 123 Bộ Luật Lao động 2012 nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động như sau:
“4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.”
Quy định tại Điều 155 Bộ Luật Lao động 2012 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ cũng có đề cập:
“…….4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật lao động về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động thì lao động nữ mang thai không bị xử lý kỷ luật lao động. Pháp luật quy định như vậy là để đảm bảo việc làm cũng như khả năng kinh tế cho người lao động nữ chuẩn bị bước vào giai đoạn nuôi con nhỏ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật lao động năm 2012 về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động như sau:
“1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.
2. Khi hết thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 123, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên”.
Như vậy, trong thời gian mang thai lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, khi hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì người sử dụng lao động có quyền kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật tối đa thêm 60 ngày kể từ ngày hết thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Do đó, trường hợp hết thời hạn 60 ngày kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật mà con đã đủ 12 tháng tuổi thì người vẫn có thể bị xử lý kỷ luật lao động.