Những vấn đề cơ bản trong hợp đồng lao động

0
2238

Hợp đồng lao động là gì?

Hợp đồng lao động là căn cứ để xác lập mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng lao động

Các quy định về chủ thể giao kết hợp đồng lao động là những điều kiện mà chủ thể tham gia qua hệ hợp đồng lao động phải có, đó là năng lực pháp luật lao động và năng lực hành vi lao động.

Một cách chung nhất, về phía người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi lao động. Về phía người sử dụng lao động là tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp,…có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh…Nếu là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có khả năng trả công lao đông. Ngoài những quy định trên thì tùy trường hợp, đối tượng mà pháp luật có các quy định riêng: Đối với người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam theo quy định tại Điều 169 đến Điều 175 BLLĐ năm 2012; Đối với NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 168 BLLĐ năm 2012.

Hình thức của hợp đồng lao động

Căn cứ Điều 16 BLLĐ năm 2012: Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Theo đó, hình thức của HĐLĐ bao gồm: HĐLĐ bằng văn bản HĐLĐ bằng lời nói (bằng miệng) và HĐLĐ bằng hành vi. HĐLĐ bằng văn bản được áp dụng cho các trường hợp sau đây: (i) HĐLĐ xác định thời hạn (Điều 16 BLLĐ); (ii) HĐLĐ xác định thời hạn từ ba tháng trở lên (Điều 16 BLLĐ); (iii) HĐLĐ với người giúp việc gia đình;(iv) HĐLĐ làm việc với tư cách là vũ nữ, tiếp viên, nhân viên trong các cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, sàn nhảy,…không phân biệt thời hạn HĐLĐ (căn cứ Nghị định của Chính phủ 87/CP ngày 12/12/1995 về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ môt số tệ nạn xã hội nghiêm trọng).

Nội dung của hợp đồng lao động

Khoản 1 điều 23 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định về nội dung chính của hợp đồng lao động quy định: “Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Chế độ nâng bậc, nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. ”

Những điểm nội dung trên được quy định và giải thích cụ thể tại điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP nghị định quy định chi tiết thi hành môt số nội dung của Bộ luật lao động. Khi công việc mà người lao động phụ trách liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ,…thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận thêm điều khoản về thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và vấn đề bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm (Khoản 2 Điều 23 BLLĐ năm 2012 ).
Ngoài ra, tùy thuộc vào loại công việc (làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp…) thì các bên có thể thỏa thuận giảm một số mục trong nội dung hợp đồng (Căn cứ khoản 3 Điều 23 BLLĐ năm 2012 ).
Ngoài những nội dung chủ yếu trong HĐLĐ các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác không trái pháp luật. Ngoài ra, hợp đồng lao động có thể kèm theo phụ lục hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Nội dung của phụ lục là những quy định chi tiết một số điều khoản hoặc nhằm sửa đổi, bổ sung cho hợp đồng lao động. Trong trường hợp phụ lục mang đến cách hiểu khác với nội dung trong hợp đồng lao động thì các chủ thể vẫn thực hiện theo nội dung của hợp đồng.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây