Bảo hiểm xã hội – Những quy định cần biết

0
1279

Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước. Người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi khi bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết… Vậy những điều gì cần biết về bảo hiểm xã hội, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết dưới đây!

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Nguyễn Thị Yến – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước. Bảo hiểm xã hội đảm bảo thay thế hoặc chia sẻ rủi ro từ các nguồn quỹ nhằm bảo vệ người lao động khi họ mất khả năng làm việc. Người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi khi bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.

Theo khoản 1 điều 3 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khái niệm được quy định như sau: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Tại sao bảo hiểm xã hội lại cần thiết?

Bảo hiểm xã hội ra đời và phát triển đã ngày càng khẳng định được vai trò của mình trên nhiều phương diện khác nhau trong thực tế cuộc sống cũng như trong phát triển kinh tế. Có thể khái quát vai trò của nó trên các mặt sau:

  • Góp phần ổn định đời sống của người lao động tham gia

Những người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi họ bị suy giảm, mất khả năng lao động, mất việc làm, chết. Nhờ đó sự thay thế hoặc bù đắp thu nhập kịp thời mà người lao động khắc phục nhanh chóng được những tổn thất về vật chất, nhanh phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống để tiếp tục quá trình hoạt động bình thường.

  • Góp phần bảo đảm an toàn cho nền kinh tế – xã hội.

Bảo hiểm xã hội góp phần bảo đảm an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội. Để phòng ngừa, hạn chế tổn thất, các đơn vị kinh tế phải đề ra các quy định chặt chẽ về an toàn lao động buộc mọi người phải tuân thủ. Khi có rủi ro xảy ra với người lao động, quỹ bảo hiểm xã hội kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động nhanh ổn định cuộc sống và sản xuất… Tất cả những yếu tố đó góp phần quan trọng làm ổn định nền kinh tế – xã hội.

  • Tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa các chủ thể

Người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước đều tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, điều đó làm cho người lao động có trách nhiệm hơn trong công việc, trong lao động sản xuất. Người sử dụng lao động tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cũng thấy rõ trách nhiệm của mình đối với người lao động. Nhà nước vừa tham gia đóng góp, vừa điều hành hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cho mọi đối tượng thụ hưởng… 

  • Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

Bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Qũy Bảo hiểm xã hội được sử dụng để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động và gia đình họ, phần nhàn rỗi được đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo tồn và tăng trưởng quỹ. Vì vậy, nó góp phần làm giảm bớt gánh nặng khoảng cách giữa những người giàu và người nghèo, góp phần bảo đảm sự công bằng xã hội.

  • Bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

Bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần điều tiết các chính sách, các chương trình an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Khi bảo hiểm xã hội phát triển, số đối tượng tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội được mở rộng sẽ góp phần nâng cao đời sống của người lao động nói riêng và dân cư nói chung, từ đó sẽ góp phần làm giảm số đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội khác như: ưu đãi xã hội, cứu trợ xã hội và làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

  • Thể hiện vai trò mục tiêu của nhà nước Việt Nam

Sáu là, đối với Việt Nam, bảo hiểm xã hội trực tiếp thể hiện vai trò mục tiêu, lý tưởng, bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị, xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã và đang phấn đấu, xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo đó, với quan điểm Bảo hiểm xã hội là một dịch vụ công và Nhà nước đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, quản lý dịch vụ và nhân dân là “khách hàng – người thụ hưởng”. Dịch vụ luôn mang tính kịp thời và làm hài lòng khách hàng, bảo đảm cho lợi ích chính đáng của khách hàng là chức năng chủ yếu của bảo hiểm xã hội.

Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội
Để được tư vấn một cách nhanh chóng, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Các chế độ bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là một loại hình bảo hiểm xã hội, được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

  • Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình Bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia
  • Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc:

(i) Chế Độ Ốm Đau

Căn cứ theo Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì khi người lao động bị ốm đau, tai nạn không phải là tai nạn lao động hoặc tự hủy hoại sức khỏe của họ và có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y Tế thì họ sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau. Trường hợp người lao động có con dưới 7 tuổi cũng sẽ được hưởng chế độ nghỉ con ốm nếu như có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau cùng mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động sẽ phụ thuộc vào đối tượng hưởng, làm việc trong môi trường bình thường hay làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại , nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Sau khi hưởng chế độ ốm đau, trong vòng 30 ngày kể từ ngày quay lại làm việc mà sức khỏe người lao động chưa được phục hồi thì họ còn được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau.

(ii) Chế Độ Thai Sản

Đối với người lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản sẽ được nghỉ khám thai; nghỉ hưởng chế độ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; nghỉ hưởng chế độ khi sinh con; nghỉ hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai. Ngoài ra, lao động nữ khi mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi cũng sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản khi đủ điều kiện hưởng.

Quy định mới năm 2021 ghi nhận người quyền lợi về chế độ thai sản không thể bỏ lỡ, mời quí vị xem: Chế độ thai sản năm 2021: Quyền lợi cần biết khi sinh con

(iii) Chế Độ Tai Nạn Lao Động, Bệnh Nghề Nghiệp

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc
  •  Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
  • Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp như sau:

  • Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
  •  Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.

(iv) Chế Độ Hưu Trí

Về điều kiện nghỉ hưu của người lao động thì theo quy định sẽ phụ thuộc vào tuổi, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu là 20 năm, công việc, mức suy giảm khả năng lao động,… được quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

  • Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
  • Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
  • Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Về thời điểm hưởng lương hưu thì là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật. Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 của Luật này, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và có văn bản đề nghị gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

(v) Chế Độ Tử Tuất

Chế độ tử tuất hiện nay sẽ gồm có trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất một lần.

Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 những người đang tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc đang bảo lưu thời gian đóng; tòa tuyên án là chết,  trong các trường hợp lkhi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng

Tuy nhiên Luật cũng quy định thêm về việc thân nhân được hưởng tiền tuất, cùng chúng tôi tìm hiểu thêm: Chế độ tử tuất đối với người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Bảo hiểm tự nguyện mang lại nhiều lợi ích không thể bỏ qua, tuy nhiên, cần lưu ý những gì khi tham gia bảo hiểm tự nguyện, cùng chúng tôi tìm hiểu: Bảo hiểm xã hội tự nguyện – người tham gia cần biết những gì

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm xã hội

  • Quyền của người lao động

Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trên đây, có thể nhận thấy quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động là rất lớn.

Tuy nhiên, cụ thể thì người lao động có những quyền gì khi tham gia Bảo hiểm xã hội, những quyền này liệu đã hợp lý để cân bằng quyền lợi của các bên hay chưa?

Cùng chúng tôi tìm hiểu tại: Quyền của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội

  • Nghĩa vụ của người lao động

Điều 19, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định cụ thể trách nhiệm của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

(i) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

(ii) Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.

(iii) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội”.

  • Quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội

Theo Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội như sau:

(i) Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật.

(ii) Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật.

(iii) Yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(iv) Được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập để thực hiện đăng ký lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với doanh nghiệp, tổ chức thành lập mới.

(v) Định kỳ 06 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.

(vi) Được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của người sử dụng lao động; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động.

(vii) Kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(viii) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(ix) Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

  • Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

Để thực hiện việc quản lý hiệu quả, chặt chẽ lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bên cạnh việc pháp luật quy định quyền hạn cho cơ quan bảo hiểm xã hội cần có quy định về trách nhiệm. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

(i) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(ii) Ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

(iii) Tổ chức thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

(iv) Cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; quản lý sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động đã được giải quyết chế độ hưu trí hoặc tử tuất.

(v) Tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn.

(vi) Hằng năm, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

(vii) Hằng năm, cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để người sử dụng lao động niêm yết công khai.

(viii) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

(ix) Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

(x) Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quyết định của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

(xi) Thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(xii) Tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(xiii) Định kỳ 06 tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và hằng năm, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo Bộ Y tế về tình hình thực hiện bảo hiểm y tế; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong phạm vi địa phương quản lý.

(xiv) Công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

(xv) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(xvi) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

(xvii) Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Sổ bảo hiểm xã hội

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng nhiều quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,… Quá trình tham gia của mỗi người đều được ghi nhận trên sổ Bảo hiểm xã hội mà người đó được cấp.

Theo khoản 1 Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ: “Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.”

Theo đó, sổ Bảo hiểm xã hội là loại sổ dùng để ghi chép quá trình đóng, hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho người tham gia. Những thông tin trong sổ gồm thời gian làm việc, quá trình đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội

Hiện nay, pháp luật quy định rất rõ về các vấn đề xoay quanh sổ Bảo hiểm xã hội như điều kiện cấp mới, cấp lại, thủ tục cấp.. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời xem thêm tại:  Quy định pháp luật về sổ bảo hiểm của người lao động

Một số giải đáp về vấn đề bảo hiểm xã hội

Câu hỏi 1: Sổ Bảo hiểm xã hội do ai giữ và bảo quản?

Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có trách nhiệm giữ và bảo quản sổ  mình. Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 2 Điều 18 và khoản 3 Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Mặc dù người lao động được trực tiếp cầm sổ Bảo hiểm xã hội nhưng trên thực tế, do lo ngại về việc thất lạc trong quá trình tự mình bảo quản nên hiện nay hầu như sổ Bảo hiểm xã hội đều do người sử dụng lao động giữ.

Điều này vừa giúp người lao động tránh được việc làm mất, hỏng sổ; đồng thời giúp đơn vị sử dụng lao động thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hưởng chế độ cho người lao động. 

Câu hỏi 2: Đổi sang căn cước công dân gắn chíp có cần đổi lại sổ Bảo hiểm xã hội không?

Theo Điều 27, Quyết định 595/QĐ-BHXH, các trường hợp quy định cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội bao gồm: Cấp lại sổ do mất, hỏng; cấp lại sổ do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch.

Thực chất, thông tin số chứng minh nhân dân là một trong các tiêu thức quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong cơ sở dữ liệu vì vậy không cần phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mà chỉ cần thực hiện điều chỉnh thông tin số chứng minh nhân dân trong cơ sở dữ liệu.

Câu hỏi 3: Mất sổ bảo hiểm xã hội, làm sao để nhận bảo hiểm xã hội 1 lần?

Theo quy định hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội 1 lần bắt buộc phải có sổ bảo hiểm xã hội. Những trường hợp không có sổ sẽ không được giải quyết hưởng. Lúc này bắt buộc người lao động phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.

Câu hỏi 4: Bảo hiểm xã hội đóng bao nhiêu năm có thể nhận lương hưu?

Căn cứ tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

“Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”

Như vậy, người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng hưởng chế độ lương hưu. Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Để tìm hiểu thêm về thủ tục xin nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, quí vị có thể xem thêm tại: Thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây