Tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án sơ thẩm

0
1345
Tranh chấp lao động cá nhân. Việc giải quyết
tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án căn cứ vào Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân
sự.


Việc giải quyết tranh chấp  lao động cá nhân tại tòa án
căn cứ vào Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản có liên quan. Các hoạt động tố
tụng giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án được quy định bao gồm các hoạt động từ khi
tiến hành thụ lý đến khi kết thúc một vụ án lao động, thông qua việc ra bản án hoặc quyết định về
vụ án đó. Các hoạt động này được thực hiện trong các giai đoạn tố tụng khác nhau gồm: giai đoạn sơ
thẩm, giai đoạn phúc thẩm và giai đoạn giám đốc, tái thẩm.

Sơ thẩm các vụ án tranh chấp lao động cá nhân là một hoạt
động quan trọng trong toàn bộ các hoạt động giải quyết vụ án lao động. Đây là giai đoạn mà các tài
liệu, chứng cứ, tình tiết trong vụ án được đưa ra xem xét, đánh giá và quyết định. Mặt khác, đây là
bước đầu tiên trong một loạt các thủ tục pháp lý trong việc giải quyết vụ án lao động. Qua các hoạt
động thuộc giai đoạn này, tòa án thực sự thể hiện được quyền tài phán của mình trước các bên tranh
chấp và trước xã hội.

Trong giai đoạn sơ thẩm, các hoạt động tố tụng tại tòa án bao
gồm: hoạt động thụ lý vụ án lao động, hoạt động chuẩn bị xét xử và hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án
lao động.

Tòa án tiến hành thụ lý vụ án lao động nếu có việc khởi kiện
vụ án lao động. Việc nhận đơn khởi kiện theo đúng quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa
án trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi
kiện phải tiến hành thụ lý vụ án nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền. Để thụ lý vụ án, Thẩm phán phải
thực hiện những việc cụ thể sau: Kiểm tra quyền khởi kiện, xem xét về thời hiệu, xem xét về thẩm
quyền, xem xét vụ án tranh chấp có thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện hay không, xem xét
về án phí.

Theo Điều 171 Bộ luật Tố tụng dân sự khi tòa án xét thấy vụ
án thuộc thẩm quyền của mình thì thông báo ngay cho người khởi kiện biết. Cũng theo điều luật này
thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người
khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án sẽ
thụ lý vụ án kể từ ngày nguyên đơn xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp
người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án được tính kể từ ngày nhận
được đơn kiện.

Giai đoạn xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án là khâu rất
quan trọng trong cả quá trình giải quyết vụ án tại tòa án. Đây là giai đoạn đầu tiên của việc giải
quyết tranh chấp tại tòa án, do đó việc xác định đúng quan hệ tranh chấp ngay từ giai đoạn xử lý
đơn và thụ lý vụ án có ý nghĩa quyết định. Bởi lẽ, chỉ có xác định đúng quan hệ tranh chấp thì Thẩm
phán mới có căn cứ để yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ cũng như đánh giá đúng các chứng cứ, tình
tiết trong vụ án để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự. Trên thực tế, khi giải
quyết một số tranh chấp lao động cá nhân Thẩm phán còn lúng túng khi xác định quan hệ tranh chấp.
Ví dụ: Khi thụ lý vụ án, hồ sơ khởi kiện đã có những tài liệu thể hiện việc người sử dụng lao động
cho người lao động thôi việc và người lao động khởi kiện vì cho rằng họ bị cho thôi việc trái pháp
luật. Trong thông báo thụ lý vụ án, trong bản án đáng lẽ phải ghi ở phần trích yếu là “tranh chấp
về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” thì tòa án lại ghi là “tranh chấp về cho thôi việc” hoặc
“tranh chấp về hợp đồng lao động”… Tại phần nhận định, nếu người sử dụng lao động cho người lao
động thôi việc không có căn cứ theo Điều 17 Bộ luật Lao động, đáng lẽ phải nhận định là người sử
dụng lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì Hội đồng xét xử chỉ nhận
định là người sử dụng cho người lao động thôi việc trái pháp luật. Cách gọi như vậy, tuy không sai
nhưng không chính xác và không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Bộ luật Tố tụng dân sự
về những loại tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Việc xác định sai
quan hệ tranh chấp sẽ khiến tòa áp dụng không đúng pháp luật về nội dung gây khó khăn trong giải
quyết vụ án.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được
trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư
vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng
tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của
chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây