Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án

0
1519

Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là tòa án là cơ quan duy nhất giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Bên cạnh cơ chế giải quyết thông qua tòa án, các tranh chấp lao động cá nhân còn được giải quyết thông qua cơ chế hòa giải hoặc do các bên tự định đoạt.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tranh chấp lao động cá nhân là gì?

Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động hoặc các quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động như tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù tranh chấp lao động cá nhân diễn ra với quy mô nhỏ nhưng loại tranh chấp này lại khá phổ biến trên thực tế và gần như chiếm đa số trong các tranh chấp lao động. Trong một số trường hợp, tranh chấp lao động cá nhân không có nghĩa là chỉ có một người lao động xảy ra tranh chấp. Thực tế hiện nay, trong nhiều vụ tranh chấp có nhiều người lao động tham gia. Nếu mỗi người tham gia với mục đích riêng, lợi ích riêng thì xác định là tranh chấp lao động cá nhân. Nhưng nếu cũng những con người ấy nhưng họ hướng tới quyền lợi của tập thể thì lại xác định đó là tranh chấp lao động tập thể. Xác định đúng loại tranh chấp lao động mang ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lao động đúng trình tự, thủ tục luật định nhằm bảo về được tối đa quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp.

Tranh chấp lao động cá nhân thông thường là tranh chấp giữa một cá nhân người lao động với người sử dụng lao động. Nhưng đôi khi trong tranh chấp này lại có sự xuất hiện của nhiều người lao động. Việc tham gia của nhiều người lao động trong tranh chấp lao động cá nhân dễ gây nhầm lẫn với tranh chấp lao động tập thể. Và pháp luật hiện nay cũng không quy định bao nhiêu người lao động tham gia thì quy về tranh chấp lao động cá nhân hay từ bao nhiêu người lao động trở lên thì xếp vào loại tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, điểm đặc thù để phân biệt giữa hai loại tranh chấp này là số lượng chủ thể tham gia tranh chấp lao động tập thể sẽ gồm toàn bộ người lao động trong đơn vị, phân xưởng hoặc công ty. Còn số lượng người lao động tham gia tranh chấp lao động cá nhân chỉ là một người hoặc một số người trong tập thể.

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án

Đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của tòa án, Điều 187 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: 1. Hòa giải viên lao động; 2. Hội đồng trọng tài lao động; 3. Tòa án nhân dân”.

Theo đó thẩm quyền của tòa án chia thành các nhóm là thẩm quyền chung (theo vụ việc), thẩm quyền theo cấp, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của một bên tranh chấp là nguyên đơn. Bộ luật Tố tụng dân sự cùng với Bộ luật Lao động đã giúp
cho việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được thống nhất, thể hiện bước phát triển mới của pháp luật Việt Nam. Mỗi một vụ việc lao động cá nhân khi được giải quyết ở Tòa án đều trải qua các trình tự thủ tục giải quyết: Sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm. Trong giai đoạn sơ thẩm lại tuân theo trình tự từ khởi kiện, thụ lý một vụ án lao động đến giai đoạn chuẩn bị xét xử rồi đến quyết định của Thẩm phán có đưa vụ án ra xét xử hay không? Tất cả đều tuân theo một trình tự nhất định theo Bộ luật tố tụng dân sự. Nếu Bản án hay quyết định của Thẩm phán bị kháng cáo, kháng nghị thì các thủ tục tiếp theo là Phúc thẩm, tái thẩm hay giám đốc thẩm những bản án, quyết định đó. Đây đều là các thủ tục xem xét lại các quyết định, bản án đó đã tuân theo quy định pháp luật về hình thức hay nội dung chưa.

Giai đoạn phúc thẩm, tái thẩm hay giám đốc thẩm đều là những hoạt động xem xét lại tính đúng đắn của các bản án, các quyết định đã tuyên theo yêu cầu của các đương sự, đại diện của họ hoặc của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự và đảm bảo tính đúng đắn, công bằng của việc thực thi pháp chế, trong phạm vi nội bộ của ngành tòa án, được xem như một biện pháp kiểm tra về mặt nghiệp vụ của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới để kịp thời có sự chỉ đạo nghiệp vụ cần thiết nhằm tổ chức quá trình tố tụng đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây