Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương, nghỉ ốm đau

0
1409

Trong một số trường hợp, pháp luật quy định người lao động được nghỉ trong thời gian đã kí kết tại hợp đồng lao động mà không phải chịu bất kì hình thức xử lí kỷ luật nào. 

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về nghỉ việc riêng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2019, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì nghỉ việc riêng được quy định như sau: “1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây: a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày; c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày”.

Thứ nhất, trường hợp người lao động kết hôn: Kết hôn là sự kiện trọng đại và quan trọng của mỗi người, theo đó người lao động phải có thời gian chuẩn bị cho sự kiện kết hôn của mình là lý do chính đáng và cần thiết. Và trong trường hợp này khi người lao động có sự kiện kết hôn sẽ được phép nghỉ 03 ngày làm việc là thời gian nghỉ hợp lý, những ngày nghỉ này sẽ được người sử dụng lao động chi trả tiền lương

Thứ hai, trường hợp con của người lao động kết hôn: Ngoài sự kiện kết hôn của người lao động thì khi con của người lao động kết hôn thì người lao động đó cũng sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương, nhưng số ngày nghỉ sẽ được ít hơn, họ sẽ được nghỉ 1 ngày làm việc.

Thứ ba, trường hợp có người trong gia đình chết theo quy định của pháp luật lao động: Những trường hợp người lao động được nghỉ do các sự kiện hiếu hỉ là xuất phát từ phong tục tập quán của người dân Việt Nam, bởi những sự kiện đó đều rất quan trọng và cần có sự tham gia của người lao động. Đối với việc có người nhà chết ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý của người lao động nên theo quy định của pháp luật người lao động sẽ được phép nghỉ 3 ngày làm việc để lo việc hậu sự và ổn định về tinh thần được hưởng nguyên lương.

Quy định về nghỉ không hưởng lương

Khoản 2, 3 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, theo đó nghỉ không hưởng lương được quy định như sau: “2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. 3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Trong một số trường hợp quan trọng nhưng không thuộc vào các trường hợp được nghỉ hưởng nguyên lương thì người lao động có thể xin nghỉ nhưng không được hưởng lương. Theo quy định của pháp luật, với các trường hợp được nghỉ nguyên lương vừa nêu trên người lao động được phép nghỉ theo số ngày quy định và nếu người lao động muốn xin nghỉ thêm thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động, nếu người sử dụng lao động đồng ý thì người lao động có thể nghỉ tiếp nhưng không được hưởng lương. Ngoài ra người lao động có quyền được nghỉ không hưởng lương 1 ngày mà không cần có sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Quy định về nghỉ ốm đau

Thứ nhất đối với trường hợp bản thân người lao động ốm đau, theo quy định của pháp luật bảo hiểm thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và các đối tượng khác theo quy định tại Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 bị ốm đau, tai nạn. Những đối tượng thuộc vào trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì mới đủ điều kiện để xin nghỉ. Ngoài ra, nếu không phải do bản thân của người lao động bị ốm đau mà muốn xin nghỉ thì phải thuộc vào trường hợp có giấy tờ xác nhận của cơ sở y tế là con dưới 7 tuổi bị ốm.

Khi đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chế độ ốm đau thì người lao động có quyền được nghỉ theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Với trường hợp người lao động làm việc trong điều kiện bình thường và đã đóng bảo hiểm xã hội được chưa đến 15 năm thì người lao động này có quyền được hưởng chế độ nghỉ tối đa 30 ngày trong một năm, nếu như đóng bảo hiểm xã hội càng lâu năm thì thời gian được hưởng chế độ ốm đau tối đa càng dài. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến chưa đủ 30 năm thì sẽ được nghỉ thêm 10 ngày tổng là 40 ngày làm việc tối đa trong 1 năm, người lao động sẽ được nghỉ 60 ngày nếu như thuộc vào đối tượng lao động đã đóng bảo hiểm xã hội ở mức đủ 30 năm trở lên. Đối với các trường hợp nghỉ được nêu trên trong thời gian làm việc bình thường sẽ không tính các ngày nghỉ lễ.

Với trường hợp khi người lao động làm việc trong môi trường thuộc vào danh mục nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm hay ở những vùng có phụ cấp hệ số khu vực theo quy định của pháp luật thì pháp luật sẽ ưu tiên cho người lao động có ngày nghỉ chế độ ốm đau dài hơn những người lao động làm ở chế độ bình thường ở mỗi mức đóng bảo hiểm nhiều hơn 10 ngày làm việc.

Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ ốm đau với bệnh dài ngày thì thời gian nghỉ hưởng chế độ cũng sẽ dài hơn để đảm thời gian chữa trị cho người lao động theo đó họ sẽ được nghỉ nhiều nhất là 180 ngày làm việc không bao gồm ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên nếu như trong trường hợp tình trạng sức khỏe người lao động vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn được hưởng tiếp chế độ ốm đau nhưng mức chi trả sẽ thấp hơn.

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì khi người lao động có con ốm đau thì mỗi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được nghỉ tối đa 20 ngày, con từ đủ 36 tháng đến dưới 84 tháng tuổi thì được nghỉ tối đa 15 ngày trong vòng một năm. Trong trường hợp người lao động có 2 con cùng ốm đau thì theo thông tư 59/2015 thông tư của Bộ lao động thương binh xã hội thì người lao động đó sẽ có thời gian hưởng chế độ ốm đau bằng thời gian thực tế chăm sóc cho mỗi người con nhưng không được vượt quá thời gian tối đa cho mỗi con.

Đối với trường hợp có con ốm đau nhưng cả vợ và chồng đều tham gia bảo hiểm xã hội thì nếu một người nghỉ chăm sóc con thì chế độ được tính cho một người đó, còn nếu hai người luân phiên nhau nghỉ để chăm con thì thời gian nghỉ tối đa được quy định theo thời gian tối đa cho mỗi người, còn nếu cả vợ và chồng cùng nghỉ việc để chăm con thì họ đều được giải quyết chế độ theo thời gian tối đa của vợ hoặc của chồng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây