Quy định về hợp đồng lao động vô hiệu

0
1901

Hợp đồng lao động vô hiệu là gì?

Hợp đồng lao động vô hiệu là hợp đồng thể hiện quan hệ pháp luật lao động nhưng không còn hiệu lực hoặc bị mất một phần hiệu lực. Hợp đồng vô hiệu làm mất hoàn toàn hoặc giảm giá trị pháp lý từng phần của hợp đồng. Sự vô hiệu có thể tước đi quyền của các bên trong quan hệ lao động.

Thứ nhất, căn cứ pháp lý

(i) Mục 4 Chương III Bộ luật lao động 2012;
(ii) Điều 11, Điều 12 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về hợp đồng lao động.

Thứ nhất, hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ

Theo khoản 1 Điều 50 Bộ luật Lao động, hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật. Đây là quy định mang tính dự liệu lý tưởng, vì trong thời đại ngày nay ý thức, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn đã được nâng cao, hơn nữa các bên có thể được trợ giúp về mặt pháp lý hơn trước kia, (ii) người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền. Việc ký kết không đúng thẩm quyền xảy ra trong nhiều trường hợp khác nhau, tuy nhiên đều liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại diện cho đơn vị sử dụng lao động, về lý luận cũng như thực tiễn, trường hợp nêu trên có thể được khắc phục khi người có thẩm quyền công nhận kết quả ký kết của người không có thẩm quyền, (iii) Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm. Trường hợp này không thể khắc phục, vì đối tượng của hợp đồng không phải là việc làm, là bất hợp pháp, các bên đều có lỗi khi tham gia một hợp đồng có đối tượng trái pháp luật, (iv) nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

Thứ hai, hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Do đó chỉ nội dung bị vô hiệu bị mất hiệu lực thực hiện các nội dung khác vẫn có giá trị hiệu lực thực hiện bình thường. Ví dụ hợp đồng lao động có quy định về thời giờ làm việc, mức lương, nội dung công việc, tuy nhiên ,mức lương quy định trong hợp đồng lại thấp hơn mức lương quy định vùng thì mục quy định về mức lương sẽ vô hiệu còn các quy định khác trong hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Thứ ba, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Ttheo quy định tại Điều 51 Bộ luật lao động 2012 thì Thanh tra lao động, Toà án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

(i) Thẩm quyền của Tòa án

Tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu khi hai bên kí kết hợp đồng lao động xảy ra xích mích dẫn đến kiện tụng. Tòa án tiếp nhận vụ án và phát hiện ra nội dung hợp đồng vi phạm các điều khoản quy định tại Điều 50 Bộ luật lao động 2012. Khi đó tòa sẽ tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

(ii) Thẩm quyền của Thanh tra Lao động

Thanh tra lao động sẽ tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động, cụ thể Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Thứ tư, xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ

Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 11, Điều 12 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau: (i) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính có trách nhiệm hướng dẫn các bên ký lại hợp đồng lao động. (ii) Hợp đồng lao động có toàn bộ nội dung của hợp đồng trái pháp luật bị hủy bỏ khi có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. (iii) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động. Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ đến khi hai bên giao kết hợp đồng lao động mới thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này. (iv) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp không giao kết được hợp đồng lao động mới thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. (v) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Thứ năm, xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 11, Điều 12 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:(i) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật. (ii) Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần đến khi hai bên sửa đổi, bổ sung phần nội dung bị tuyên bố vô hiệu thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật về lao động.Hợp đồng lao động vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên thỏa thuận lại. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng lao động vô hiệu theo thời gian thực tế làm việc của người lao động nhưng tối đa không quá 12 tháng.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây