Những vấn đề chung về hợp đồng lao động và pháp luật về giao kết hợp đồng lao động

0
1760

Quá trình xác lập hợp đồng lao động cũng là quá trình để các bên tìm hiểu, đánh giá về nhau một cách trực tiếp từ đó lựa chọn và ra quyết định chính thức.

Giao kết hợp đồng lao động là giai đoạn đầu tiên thể hiện sự hợp tác của các bên để đi đến sự thống nhất ý chí nhằm xác lập quan hệ lao động. Do vậy, quá trình xác lập hợp đồng lao động cũng là quá trình để các bên tìm hiểu, đánh giá về nhau một cách trực tiếp từ đó lựa chọn và ra quyết định chính thức.

Các nguyên tắc khi giao kết hợp đồng lao động

Thứ nhất, nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực

Tự nguyện là sự biểu hiện về mặt ý chí chủ quan của các bên, hoàn toàn đồng ý khi tham gia giao kết hợp đồng lao động. Đây là một trong những yếu tố để khẳng định hợp đồng lao động là kết quả của sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không bên nào ép buộc bên nào giao kết hợp đồng lao động. Sự tự nguyện chính là biểu hiện của ý chí của các chủ thể trong khi giao kết hợp đồng.Nguyên tắc này là một trong những cơ sở quan trọng ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng lao động và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Bình đẳng là nguyên tắc khẳng định vị thế ngang nhau của người sử dụng lao động và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Thể hiện nguyên tắc này giúp phòng tránh người sử dụng lao động lợi dụng vị thế của mình để áp đặt đối với người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bình đẳng giữa hai bên khi giao kết hợp đồng chỉ là sự bình đẳng tương đối, bởi dù sao, người lao động luôn là đối tượng yếu thế hơn trong quan hệ lao động, ngay cả trong giai đoạn giao kết hợp đồng lao động.
Thiện chí, hợp tác thể hiện giữa người lao động và người sử dụng lao động cùng nhau đồng thuận để xác lập và duy trì quan hệ lao động bằng cách giao kết và thực hiện hợp đồng. Hợp tác là thể hiện sự phối hợp cùng nhau trong thỏa thuận, bàn bạc, giải quyết vấn đề. Khi không có thiện chí và không mong muốn hợp tác thì sẽ không có việc giao kết hợp đồng lao động. Dưới góc độ pháp luật lao động, đây là nguyên tắc thể hiện một cách sinh động và là sự cụ thể hóa một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Lao động: Nguyên tắc đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc của công dân. Nguyên tắc tự do, tự nguyện biểu hiện về mặt chủ quan của hai bên tham gia giao kết hợp đồng lao động, có nghĩa rằng khi tham gia giao kết hợp đồng lao động các chủ thể hoàn toàn tự do về mặt ý chí và tự nguyện về mặt lý trí, theo đó, mọi hành vi cưỡng bực, lừa dối… đều dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.

 

Thứ hai, nguyên tắc không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội

Đây là nguyên tắc liên quan nhiều đến việc xác định các nội dung thỏa thuận đưa vào hợp đồng khi giao kết hợp đồng lao động. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, mà con ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan, lợi ích chung của xã hội. Thực hiện nguyên tắc này cho thấy, mặc dù hợp đồng lao động là kết quả của sự tự do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, tuy nhiên nội dung thỏa thuận phải nằm trong giới hạn do pháp luật lao động đặt ra. Giới hạn đó chính là chuẩn mức tối thiểu về quyền (ví dụ: quy định về lương tối thiểu, thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu…) tối đa về nghĩa vụ (ví dụ: quy định về thời giờ làm việc tối đa…) của người lao động được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, là những điều cấm của pháp luật vì lợi ích của các bên và lợi ích chung của xã hội (ví dụ, quy định về cấm người sử dụng lao động giữ bản chính các văn bằng, chứng chỉ của người lao động…), những chuẩn mực về đạo đức xã hội.

Về người giao kết hợp đồng lao động

Thứ nhất, đối với người sử dụng lao động: (i) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, người giao kết hợp đồng lao động là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã (bao gồm: người địa diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc người được đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã ủy quyền hợp pháp); (ii) Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức khác, người giao kết hợp đồng lao động là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc người được người đứng đầu cơ quan đơn vị tổ chức ủy quyền hợp pháp giao kết; (iii) Đối với hộ gia đình người giao kết hợp đồng lao động là chủ hộ gia đình hoặc người được chủ hộ gia đình ủy quyền hợp pháp giao kết. (iv) Đối với cá nhân người giao kết hợp đồng lao động là cá nhân trực tiếp sử dụng lao động giao kết, không đươc ủy quyền cho người khác (Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động)

Thứ hai, đối với người lao động: (i) Đối với người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên do người lao động tự quyết định và trực tiếp giao kết. (ii) Đối với người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động; (iii) Đối với người lao động là người dưới 15 tuổi do người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người đó; (iv) Đối với các công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì những người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động. Trên thực tế, nếu có trường hợp này xảy ra thì cũng chỉ trong trường hợp một nhóm người lao động được nhận vào cùng một đơn vị sử dụng lao động, cùng loại công việc và hợp đồng lao động hết hạn cùng thời điểm. Trong hợp đồng này cần ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thướng trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động trong nhóm.

Về hình thức hợp đồng khi giao kết hợp đồng

Hợp đồng lao động bao gồm hợp đồng lao động bằng văn bản và hợp đồng lao động bằng lời nói (Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật lao động 2012). Cụ thể, hợp đồng lao động bằng văn bản được áp dụng đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên; hợp đồng lao động giao kết với người giúp việc gia đình; hợp đồng lao động với người lao động chưa thành niên. Hợp đồng lao động bằng lời nói là hình thức hợp đồng do các bên thỏa thuận thông qua sự đàm phán bằng ngôn ngữ mà không lập thành văn bản, được áp dụng đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói (Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012).

Về nội dung của hợp đồng lao động

Trong các trường hợp thông thường, nội dung chủ yếu của hợp đồng bao gồm: Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; công việc và địa điểm làm việc; thời hạn của hợp đồng lao động; mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; chế độ nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề (Khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động 2012) . Một số trường hợp đặc biệt, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận thêm về các nội dung có liên quan đến công việc trong hợp đồng như: Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm; Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, thời tiết…

Luật sư có thể cung cấp những dịch vụ pháp lý về lao động nào?

(i) Hợp đồng lao động: Tư vấn các vấn đề pháp lý đối với Hợp đồng lao động và các hợp đồng liên quan khác. Soạn thảo hợp đồng lao động nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các bên;

(ii) Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể: Tư vấn, xây dựng, đưa ra giải pháp và soạn thảo, đăng ký thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động phù hợp với hoạt động kinh doanh, mô hình sản xuất của doanh nghiệp;
(iii) Xử lý kỉ luật: Tư vấn về điều kiện, quy trình xử lý kỷ luật người lao động, đánh giá tính hợp pháp của quyết định xử lý kỷ luật lao động, về tiền bồi thường, trợ cấp thôi việc, mất việc, thất nghiệp và các trợ cấp có liên quan khác, đại diện cho doanh nghiệp đám phán các vấn đề về thủ tục xử lý kỉ luật;
(iv) Giải quyết tranh chấp lao động: Hỗ trợ khách hàng giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng, đại diện khách hàng tham gia giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đại diện cho doanh nghiệp/người lao động tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động;
(v) Công đoàn: Tư vấn và hỗ trợ khách hàng giải quyết các vấn đề pháp lý đối với quy chế và quá trình hoạt động của công đoàn, cập nhật các văn bản pháp luật và các chính sách mới liên quan đến chính sách, kinh phí công đoàn…;
(vi) Bảo hiểm xã hội: Tư vấn, rà soát, đăng kí, kê khai và đưa ra các giải pháp về các vấn đề pháp lý đối với các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động trong công tác bảo hiểm. Soạn thảo, hoàn thiện và đăng kí thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp;
(vii) Tuyển dụng, đào tạo, học nghề: Tư vấn, rà soát và đưa ra các giải pháp về các vấn đề pháp lý đối với quy trình tuyển dụng nhân sự, đào tạo, học nghề; cập nhật các văn bản pháp luật và các chính sách mới liên quan dạy nghề, học nghề;
(viii) Hoàn thiện và cung cấp các biểu mẫu: Các hợp đồng và các quyết định ban hành,…

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây