Hoàn trả, đền bù chi phí đào tạo theo quy định pháp luật

0
3063

Đào tạo là hoạt động không thể thiếu trong quan hệ lao động. Bởi muốn nâng cao  trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng, năng suất lao động thì chẳng còn cách nào khác là đào tạo nâng cao kiến thức, chuyên môn của “người lao động”.

Tuy nhiên, không phải người lao động nào sau khi được đào tạo cũng sẽ gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chi trả chi phí đào tạo cho họ. Chính vì vậy, quy định về hoàn trả, đền bù chi phí đào tạo được ban hành để bảo vệ lợi ích chính đáng cho Nhà nước, người sử dụng lao động.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Chi phí đào tạo bao gồm những khoản nào?

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động là một trong những điều khoản chủ yếu của hợp đồng lao động (được quy định tại Điểm k, khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012).

Người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động (Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2012).

Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Nghề đào tạo; b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; c) Chi phí đào tạo; d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Hoàn trả chi phí đào tạo nghề đối với người lao động

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình hoặc hỗ trợ việc học nghề cho người lao động với mục tiêu làm việc lâu dài cho mình. 

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động chỉ có trách nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (Khoản 3 Điều 43 Bộ luật Lao động năm 2012).

Tuy nhiên, việc pháp luật lao động buộc các bên trong quan hệ lao động phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề khi người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động đã mặc nhiên thừa nhận nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo nghề của người lao động theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động đã ghi nhận trong hợp đồng đào tạo nghề.

Tóm lại, người lao động sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau: (i) Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; (ii) Trường hợp hai bên đã thỏa thuận nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo trong hợp đồng đào tạo nghề.

Đền bù chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức

Nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật hiện hành cũng có những quy định về việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể:

Điều 11 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ: “4. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ”.

Điều 11 Luật Viên chức năm 2010 quy định về quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp: “Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ”.

Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; (ii) Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; (iii) Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết (ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo).

Khác với người lao động, chi phí đền bù của cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

Đối với trường hợp đền bù chi phí đào tạo do tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo hoặc không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo.

Đối với trường hợp đền bù chi phí đào tạo do đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết, chi phí đền bù được tính theo công thức:

S = F : T1 x (T1 – T2)

Trong đó:

  • S là chi phí đền bù
  • F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học
  • Tlà thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn
  • T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây