Quy định của pháp luật về nội quy lao động

0
2489

Quy định về nội quy lao động có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý lao động và xử lý kỷ luật lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động khi tham gia quan hệ lao động.

Căn cứ pháp lý

(i) Điều 119-122 Bộ Luật lao động 2012;

(ii) Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của bộ luật lao động

Quyền ban hành nội quy lao động

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản”. Với quy định này, việc ban hành nội quy lao động trong doanh nghiệp vừa là quyền, lại vừa là nghĩa vụ bắt buộc. Là quyền của doanh nghiệp bởi nội quy lao động là các xử sự chung mà doanh nghiệp dùng để duy trì trật tự, là căn cứ hợp pháp để Doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động, nên việc ban hành nội quy lao động nhằm hạn chế được những hành vi mà người lao có thể vi phạm, góp phần nâng cao năng suất lao động của họ. Từ đó, việc ban hành nội quy lao động thể hiện “quyền” của người sử dụng lao động. Khi biết rõ nhiệm vụ của mình và cả những chế tài dự liệu, người lao động sẽ hạn chế được những vi phạm, góp phần nâng cao năng suất lao động

Nghĩa vụ ban hành nội quy lao động

Nhằm tăng cường tinh thần trách nhiệm của người sử dụng lao động từ 10 người lao động trở lên trong việc tuân theo các quy định của pháp luật, quy định ở điều này bắt buộc những doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản.

Nguyên tắc ban hành nội quy lao động

Các nguyên tắc để ban hành nội quy lao động được thể hiện trong các quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó: (i) Nội quy lao động phải được lập thành văn bản, (ii) Nội dung của nội quy lao động phải không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan, (iii) Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, tức Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, (iv) Khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo nội quy lao động đến người lao động, bằng cách niêm yết các nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc, để người lao động biết rõ được các nội dung của nội quy lao động và tự lựa chọn cách xử sự cho phù hợp.

Nội dung cơ bản của nội quy lao động

Về cơ bản, nội quy lao đọng phải có những nội dung sau: (i) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (ii) Trật tự tại nơi làm việc; (iii) An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; (iv) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; (v) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Mặt khác, để tránh trường hợp người sử dụng lao động lạm quyền, đặt ra các quy định quá khắt khe đối với người lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và nhằm đảm bảo các nguyên tắc khi ban hành, pháp luật cũng quy định các nội dung nêu trên của nội quy lao động phải tuân theo các quy định tương ứng tại Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Đăng ký nội quy lao động

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 28 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, đối với các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động, doanh nghiệp đó không phải đăng ký nội quy lao động, đối với doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký nội quy lao động (Khoản 1 Điều 120 Bộ luật Lao động 2012)
Để thực hiện việc đăng ký, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đăng ký kinh doanh.

 

 

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây