Doanh nghiệp có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc không?

0
766

Để trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp nào đó, hầu hết người lao động đều phải trải qua quá trình thử việc. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc?

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về hợp đồng thử việc

Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thử việc như sau: “1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. 2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này. 3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng”.

Theo đó, có thể thấy, việc làm thử sẽ do các bên thỏa thuận tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động cho rằng không cần thiết phải thử việc thì các bên có thể tiến hành ký hợp đồng lao động luôn mà không phải trải qua quá trình thử việc.

Chính vì vậy, thử việc không phải là quy định bắt buộc mà dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Thực tế có rất nhiều trường hợp sau khi mời được người lao động với trình độ chuyên môn cao, doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng lao động để làm việc mà không cần thử việc.

Doanh nghiệp có bắt buộc ký hợp đồng thử việc không?

Như đã phân tích, thử việc không phải là quy định bắt buộc nên người sử dụng và người lao động hoàn toàn có quyền lựa chọn thử việc hoặc không thử việc.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019 đã dẫn chiếu, nếu có thỏa thuận về làm thử, các bên có thể ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng thử việc. Theo đó, ngay cả khi có thỏa thuận về thử việc các bên cũng không bắt buộc phải ký hợp đồng này.

Chính vì vậy, doanh nghiệp không bắt buộc phải ký hợp đồng này với người lao động. Thay vào đó, các bên có thể lựa chọn ký hợp đồng lao động luôn hoặc ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.

Đáng chú ý, so với người thử việc thì người lao động được ký hợp đồng lao động có thể sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn như:

(i) Về tiền lương: Người lao động được ký hợp đồng lao động mà không cần thử việc được hưởng đủ 100% lương của công việc này (thử việc được hưởng ít nhất 85%).

(ii) Về chế độ nghỉ: Người lao động ký hợp đồng lao động mà không phải thử việc làm chưa đủ năm được hưởng số ngày phép năm tỷ lệ với số tháng làm việc (thử việc chỉ tính phép năm sau khi hết thời gian thử việc mà vẫn tiếp tục làm cho người sử dụng lao động).

(iii) Về bảo hiểm xã hội: Người lao động được ký hợp đồng lao động để làm việc luôn hoặc thử việc đều được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trường hợp không được phép ký hợp đồng thử việc

Trường hợp này được ghi nhận cụ thể tại khoản 3 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019 như sau: “Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng”.

Như vậy, nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì người lao động sẽ không phải trải qua quá trình thử việc. Đồng thời người sử dụng lao động cũng không được phép yêu cầu thử việc trong trường hợp này.

Trước đây, quy định này được áp dụng dành cho hợp đồng lao động theo mùa vụ. Do đó, nếu yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng, người sử dụng lao động có thể bị áp dụng mức phạt như đối với hợp đồng mùa vụ được quy định Nghị định số 28/2020/NĐ-CP như sau: “Điều 9. Vi phạm quy định về thử việc: 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;”

Như vậy, nếu cố tình yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng, người sử dụng lao động có thể bị phạt lên đến 01 triệu đồng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây