Công ty mẹ có được điều chuyển lao động sang công ty con không?

0
2243

Công ty mẹ có được điều chuyển lao động sang công ty con không? Quy định về điều chuyển lao động theo quy định hiện hành.

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thế nào là công ty mẹ công ty con?

Công ty mẹ là một công ty sở hữu một phần chính hoặc toàn bộ số cổ phần của một công ty khác để có thể kiểm soát việc điều hành và các hoạt động của công ty này (công ty con) bằng việc gây ảnh hưởng hoặc bầu ra Hội đồng quản trị.

Công ty con là một mô hình doanh nghiệp được doanh nghiệp khác đứng ra thành lập và cung cấp vốn để có thể hoạt động trong một số lĩnh vực tương ứng với doanh nghiệp đó. Công ty con được xem như một giải pháp thích hợp cho các doanh nghiệp trong việc hạn chế rủi ro gặp phải trong công việc đầu tư kinh doanh của mình.

Tổ hợp công ty mẹ – công ty con là kết cấu phổ biến của các tập đoàn kinh tế, là hình thức liên kết ngày càng được ưa chuộng trong nền kinh tế thế giới. Nó được hình thành một cách tự nhiên, phản ánh nhu cầu và sự phát triển về mặt tổ chức của các đơn vị sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung hóa trên cơ sở tích tụ và cạnh tranh. Giữa các công ty con lại có mối quan hệ ràng buộc với nhau, phụ thuộc vào sự điều tiết của công ty mẹ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các công ty con vẫn hoàn toàn độc lập và tự chủ trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của mình. Bộ máy quản lý và điều hành của loại hình này như bất cứ một công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn nào.

Quy định về điều chuyển lao động

Điều 29 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau: “1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. 2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. 3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. 4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này”.

Công ty mẹ có được điều chuyển lao động sang công ty con không?

Công ty mẹ và công ty con là 02 pháp nhân độc lập, được tổ chức và hoạt động độc lập với nhau. Như vậy, theo quy định tại Điều 29 Bộ luật lao động nêu trên thì việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được thực hiện trong nội bộ của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi: (i) Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm; (ii) Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (iii) Sự cố điện, nước; (iv) Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Như vậy công ty mẹ không thể điều chuyển người lao động từ công ty mình sang công ty con để làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Để thực hiện hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động tiến hành ký hợp đồng mới với công ty con. Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác. Nếu điều chuyển người lao động từ công ty mẹ sang công ty con mà trái pháp luật thì căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều chuyển lao động trái quy định, cụ thể:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây