Chế độ ăn giữa ca của người lao động được quy định thế nào?

0
2739

Tùy vào điều kiện sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu công việc mà doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động về chế độ ăn giữa ca và quy định cụ thể trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hay quy chế tiền lương của doanh nghiệp.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về chế độ ăn giữa ca của người lao động

Phụ cấp ăn giữa ca là một trong những khoản phụ cấp mà người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động để chi trả chi phí ăn giữa ca trong thời gian làm việc. Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào thực hiện chế độ phụ cấp ăn trưa, ăn ca thì mọi lao động của doanh nghiệp đó đều được hưởng chế độ này. Bởi thực tế, chỉ những người lao động làm trọn thời gian (cả ca sáng và ca chiều) hoặc làm ca đêm mới được hỗ trợ thêm tiền ăn. Đồng thời, tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp mà việc ăn trưa, ăn ca sẽ do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện hoặc phát tiền để người lao động có thể tự lo cho bữa ăn của mình.

Mức phụ cấp ăn giữa ca

Đối với người lao động trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH, mức tiền ăn giữa ca, ăn trưa tính theo ngày làm việc trong tháng cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.

Chế độ ăn này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc:

Ăn theo ngày thực tế làm việc, kể cả ngày làm thêm (đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn trong ngày do công ty lựa chọn nhưng tối đa không quá 08 giờ/ngày).

Ngày không làm việc, kể cả ngày nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ phép, nghỉ không hưởng lương thì không ăn giữa ca và không được thanh toán tiền.

Những ngày làm việc không đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn (dưới 50% số giờ tiêu chuẩn) thì không ăn giữa ca.

Ngoài ra, công ty cũng có thể quy định thêm các nguyên tắc khác nếu thấy có lợi cho việc nâng cao trách nhiệm của người lao động với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.

Với những công ty gặp khó khăn không thể đưa chi phí ăn giữa ca vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh thì phải tìm mọi biện pháp giảm các chi phí khác để có nguồn tổ chức ăn giữa ca cho người lao động.

Trường hợp đặc biệt, dù đã tìm mọi biện pháp để tiết kiệm các chi phí khác nhưng vẫn không đủ nguồn thì có thể tạm thời chưa thực hiện chế độ ăn này.

Lưu ý: Các công ty Nhà nước đã chuyển đổi theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần… có thể vận dụng các quy định nêu trên.

Đối với người lao động trong các doanh nghiệp khác

Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”.

Với quy định này, có thể thấy, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp này phải thực hiện chế độ phụ cấp ăn giữa ca hay các loại phụ cấp khác cho người lao động.

Dù không bắt buộc nhưng pháp luật luôn khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ một cách tốt nhất cũng như thực hiện hiệu quả chế độ phúc lợi cho người lao động.

Tùy vào điều kiện sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu công việc mà doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động về khoản phụ cấp này và quy định cụ thể trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hay quy chế tiền lương của doanh nghiệp.

Như vậy, ở mỗi loại hình doanh nghiệp, các loại phụ cấp, cụ thể là phụ cấp ăn trưa cho người lao động sẽ có sự khác nhau. Và dù ở đâu thì đây cũng là quyền lợi mà người lao động xứng đáng được hưởng.

Tiền ăn giữa ca có phải đóng bảo hiểm xã hội, đóng thuế không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH: “3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động”.

Như vậy, tiền ăn trưa, ăn giữa ca sẽ không phải đóng Bảo hiểm Xã hội nếu các khoản này được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Tiền ăn trưa, ăn giữa ca được tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân nếu vượt quá 730.000 đồng/người/tháng

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH thì doanh nghiệp thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.

Và Căn cứ theo quy định tại Tiết g.5 Điểm g Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC: “g.5) Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn. Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân”.

Như vậy, trong trường hợp công ty trả tiền ăn trưa, ăn giữa ca cho người lao động mỗi tháng thì: khoản tiền này sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân nếu không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Trường hợp mức chi cao hơn quy định thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây