Tiền lương – Bản chất và nguyên tắc của tổ chức tiền lương

0
7499

Nguyên tắc tổ chức tiền lương được thực hiện như thế nào? Bản chất của tiền lương theo quy định của pháp luật hiện hành? Chức năng của tiền lương là gì? Hãy cùng Luatlaodong phân tích rõ nét trong bài sau:

Bản chất của tiền lương là gì?
Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Trần Thị Thu Hoài – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tiền lương là gì

Ở Việt Nam hiện nay có sự phân biệt các yếu tố trong tổng thu nhập của người lao động từ công việc: tiền lương (dụng ý chỉ lương cơ bản), phụ cấp và phúc lợi.

Theo quan điểm cải cách tiền lương năm 1993, tiền lương là giá cả sức lao động, được hình thành qua sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động phù hợp với quan hệ cung cầu về sức lao động trên thị trường quyết định và được trả cho năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc.

Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về tiền lương: “1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.

Bản chất của tiền lương

Bản chất của tiền lương, tiền công là giá cả sức lao động được hình thành trên cơ sở giá trị sức lao động thông qua sự thoả thuận giữa người có sức lao động và người sử dụng lao động đồng thời chịu sự chi phối của quy luật kinh tế như quy luật cung – cầu, quy luật giá trị….

Nguyên tắc cơ bản của tổ chức tiền lương

Nguyên tắc cơ bản của tổ chức tiền lương là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng được một cơ chế trả lương, quản lý tiền lương và chính sách thu nhập thích hợp. Ở nước ta khi xây dựng một chế độ tiền lương và tổ chức trả lương phải theo các nguyên tắc sau:

Trả lương ngang nhau cho lao động như nhau

Xuất phát từ nguyên tắc phân phối theo lao động theo nguyên tắc này thì bất kỳ ai dù có khác nhau về tuổi tác, giới tính, trình độ mà có đóng góp sức lao động như nhau thì được trả lương như nhau.

Đối với công việc khác nhau thì cần thiết phải có sự đánh giá đúng mức, phân biệt công bằng, chính xác trong trả lương. Đây là nguyên tắc rất quan trọng vì nó đảm bảo được sự công bằng trong trả lương.

Bảo đảm năng suất lao động tăng nhanh hơn tiền lương bình quân

Quy định này là một nguyên tắc quan trọng khi tổ chức tiền lương vì có như vậy mới tạo cơ sở cho giảm giá thành và tăng tích lũy.

Tiền lương là một bộ phận của thu nhập quốc dân, một phần giá trị mới sáng tạo, tiền lương là hình thức và là công cụ cơ bản thực hiện nguyên tắc này. Điều đó đồng thời có nghĩa rằng xét ở tầm vĩ mô, chỉ được phép phân phối và tiêu dùng trong phạm vi thu nhập quốc dân, tốc độ tăng tiền lương không được tăng hơn tốc độ tăng năng suất lao động .

Tiền công bình quân tăng lên phụ thuộc vào những nhân tố chủ quan do nâng cao năng suất lao động ( nâng cao trình độ lành nghề, giảm bớt tổn thất về thời gian lao động …).

Năng suất lao động tăng không phải chỉ do những nhân tố trên mà còn trực tiếp phụ thuộc vào các nhân tố khách quan khác (áp dụng kỹ thuật mới, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên…). Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động rõ ràng là có khả năng khách quan lớn hơn tốc độ tăng của tiền lương bình quân.

Không những thế, khi xem xét các mối quan hệ giữa tốc độ tăng năng suất lao động với tiền lương thực tế, giữa tích lũy và tiêu dùng. Trong thu nhập quốc dân ta thấy chúng có mối quan hệ liên hệ trực tiếp với tốc độ phát triển khu vực I ( sản xuất tư liệu sản xuất) và khu vực II (sản xuất vật phẩm tiêu dùng). Do yêu cầu của tái sản xuất mở rộng đòi hỏi khu vực I phải tăng nhanh hơn khu vực II. Tốc độ tăng của tổng sản phẩm XH (I + II) lớn hơn tốc độ tăng của khu vực II làm cho sản phẩm XH tính bình quân theo đầu người lao động tăng. Vậy trong phạm vi nền kinh tế quốc dân cũng như nội bộ các Doanh nghiệp, muốn hạ giá thành sản phẩm và tăng tích lũy thì không còn con đường nào khác ngoài việc tăng năng suất lao động nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.

Đảm bảo mối quan hệ hợp lý về tiền công giữa những người lao động làm các nghề khác nhau trong nền kinh tế quốc dân

Do trình độ lành nghề bình quân của người lao động ở các ngành khác nhau nên cần phải được phân biệt trong trả lương thông qua đó khuyến khích người lao động nâng cao tay nghề, trình độ.

Điều kiện lao động khác nhau: các doanh nghiệp khác nhau thì có điều kiện lao động khác nhau do đó dẫn đến năng suất lao động khác nhau có nghĩa là tiêu hao hao phí sức lao động khác nhau do đó tiền lương phải khác nhau để bù đắp hao phí sức lao động khác nhau đó

Sự phân bố theo khu vực sản xuất: giữa các vùng khác nhau thì tiền lương khác nhau do đó điều kiện khác nhau như khí hậu, điều kiện sinh hoạt… dẫn đến khả năng làm việc sức khoẻ con người, chi phí cho cuộc sống khác nhau do đó để đảm bảo tái sản xuất lao động như nhau thì tiền lương khác nhau và được thực hiện thông qua phụ cấp như phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp khu vực, và một số loại ưu đãi.

Chức năng cơ bản của tiền lương

Tiền lương là một nhân tố hết sức quan trọng của quá trình quản lý nói chung và quản lý lao động tiền lương nói riêng. Dưới đây là một số chức năng của tiền lương cơ bản:

Kích thích lao động (tạo động lực)

Chức năng của tiền lương này nhằm duy trì năng lực làm việc lâu dài có hiệu quả, dựa trên cơ sở tiền lương phải đảm bảo bù đắp sức lao động đã hao phí để khuyến khích tăng năng suất, tạo niềm hứng khởi trong công việc, phát huy tinh thần sáng tạo tự học hỏi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để từ đó giúp họ làm việc với hiệu quả cao nhất và mức lương nhận được thỏa đáng nhất.

Giám sát lao động

Tiền Lương có chức năng giúp nhà quản trị tiến hành kiểm tra theo dõi, giám sát người lao động làm việc theo kế hoạch của mình nhằm đạt được những mục tiêu mong đợi đảm bảo tiền lương chi ra phải đạt được hiệu quả cao không chỉ tính theo tháng, quý mà còn được tính theo hàng ngày, từng giờ trong toàn doanh nghiệp hoặc các bộ phận khác nhau

Điều hoà lao động

Ở đây, chức năng của tiền lương là đảm bảo vai trò điều phối lao động hợp lý người lao động sẽ từ nơi có tiền lương thấp đến nơi có tiền lương cao hơn với mức lương thỏa đáng họ sẽ hoàn thành tốt công tác công việc được giao

Tích luỹ

Với mức tiền lương nhận được,  người lao động không những duy trì cuộc sống hàng ngày mà còn để dự phòng cho cuộc sống sau này khi họ đã hết khả năng lao động hoặc gặp rủi ro bất ngờ.

Yêu cầu trong tổ chức tiền lương

Đảm bảo tái sản xuất sức lao động và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Sức lao động là năng lực lao động của con người, là toàn bộ thể lực và trí lực của con người. Sức lao động thể hiện ở trạng thái tinh thần, tâm lý, nhận thức kỹ năng lao động và phương pháp lao động. Sức lao động là một trong 03 yếu tố của quá trình sản xuất, nó là yếu tố quan trọng nhất và theo quan điểm hiện nay, tiền lương là giá cả sức lao động do đó nó phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động đối với việc trả lương trong doanh nghiệp phải tuân thủ theo các nguyên tắc hay các điều kiện sau:

Không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho từng vùng, từng ngành; Người lao động làm đêm, làm thêm giờ phải cho nghỉ hoặc trả lương thêm theo quy định; Doanh nghiệp trả lương và các khoản phụ cấp trực tiếp cho từng người lao động trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn tại nơi làm việc và bằng tiền mặt; Khi Doanh nghiệp bố trí lao động tạm thời chuyển sang làm một công việc khác thì tiền lương không được thấp hơn mức lương của công việc trước; Khi Doanh nghiệp phá sản thì tiền lương phải ưu tiên thanh toán cho người lao động trước.

Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội năm 2021

Mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu của năm 2021

Theo quy định tại điểm 2.6  khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động như sau:

  • Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
  • Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
  • Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, lương tối thiểu vùng năm 2021 đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 như kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; tức mức lương tối thiểu vùng 2021 vẫn sẽ giữa như năm 2020 là: Vùng 1 giữ nguyên 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là  3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dự kiến năm 2021 như sau (đơn vị: đồng/tháng)

Vùng Người làm việc trong điều kiện bình thường Người đã qua học nghề, đào tạo nghề Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm Người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Công việc giản đơn Công việc yêu cầu đã qua học nghề, đào tạo nghề Công việc giản đơn Công việc yêu cầu đã qua học nghề, đào tạo nghề
Vùng I 4.420.000 4.729.400 4.641.000 4.965.870 4.729.400 5.060.458
Vùng II 3.920.000 4.194.400 4.116.000 4.404.120 4.194.400 4.488.008
Vùng III 3.430.000 3.670.100 3.601.500 3.853.605 3.670.100 3.927.007
Vùng IV 3.070.000 3.284.900 3.223.500 3.449.145 3.284.900 3.514.843

Mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa của năm 2021

Mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa theo quy định khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 sẽ là 20 tháng lương cơ sở.

Hiện nay theo Nghị định 128/2020/QH14 thì mức lương cơ sở của năm 2021 vẫn giữ nguyên là 1,49 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa là: 20 x 1,49 = 29,8 triệu đồng/tháng.

Xem thêm những vấn đề khác mà người lao động có thể quan tâm về tiền lương, vui lòng ghé thăm những bài viết sau đây để biết thêm chi tiết:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, Email: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây