Giải quyết hậu quả pháp lí khi chấm dứt hợp đồng lao động

0
1487

Việc giải quyết hậu quả pháp lí của chấm dứt hợp đồng lao động về nguyên tắc được đặt ra trong mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và nhìn chung được chú ý nhiều hơn đến quyền lợi của người lao động.

Trong phạm vi bài viết, Công ty Luật TNHH Everest sẽ cung cấp một số vấn đề cơ bản cần được giải quyết khi chấm dứt hợp đồng lao động:

Thứ nhất, về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

(i) Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
(ii) Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Thứ hai, về chế độ trợ cấp thôi việc:

Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo một trong các trường hợp sau: (i) Hết hạn hợp đồng lao động; (ii) Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động; (iii) Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án; (iv) Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; (v) Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; (vi) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật lao động; (vii) Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ Luật lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Thứ ba, về chế độ trợ cấp mất việc làm:

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm trong trường hợp: (i)thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; (ii) sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã , mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Thứ tư, về chế độ bồi thường:

Một là , nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc.Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường cơ bản, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Hai là , nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp và phải bồi thường nửa tháng tiền lương và chi phí đào tạo (nếu có).
Ba là, trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Thứ năm, về thời hạn thực hiện trách nhiệm:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây