Cách tính ngày làm việc theo quy định của pháp luật

0
2811

Ngày làm việc theo quy định của pháp luật là độ dài thời gian trong một ngày đêm (24 giờ) người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc và thực hiện những nhiệm vụ được giao phù hợp với hợp đồng lao động và nội quy của đơn vị sử dụng lao động

Bài tư vấn pháp luật lao động được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

– Căn cứ pháp lý ngày làm việc theo quy định của pháp luật

  1. Bộ luật lao động năm 2012;
  2. Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 1 năm 2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

– Ngày làm việc tiêu chuẩn

Ngày làm việc tiêu chuẩn là loại ngày làm việc trong đó pháp luật quy định cụ thể khoản thời gian làm việc của người lao động trong một ngày đêm. Có hai loại ngày làm việc tiêu chuẩn được áp dụng cho những đối tượng cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngày làm việc bình thường: được quy định không quá 8 giờ một ngày, áp dụng chung cho công việc bình thường. Trong những trường hợp khác do tính chất sản xuất, công tác, do điều kiện  thời tiết, thời vụ hoặc do sản xuất theo ca, kíp mà phải phân bổ lại số giờ làm việc trong ngày hoặc trong tuần, trong tháng cho thích hợp thì người sử dụng lao động phải thống nhất với công đoàn cơ sở trên cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể và nguyên tắc chung là thời gian làm việc bình quân không quá 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/tuần.

Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương bao gồm: (i) Thời giờ nghỉ giữa ca làm việc; (ii) Thời giờ nghỉ giải lao theo tính chất của công việc; (iii) Thời giờ nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người; (iv) Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; (v) Thời giờ nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với người lao động nữ trong thời gian hành kinh; (vi) Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động; (vii) Thời giờ học tập, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động; (viii) Thời giờ hội họp, học tập do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động cho phép.

Người sử dụng lao động có quyền xác định thời điểm bắt đầu ngày làm việc và thời điểm kết thúc ngày làm việc, thời gian nghỉ ngơi giữa ca. Tuy nhiên, các quy định này phải được ghi vào nội quy, điều lệ doanh nghiệp và phải thông báo cho từng người lao động biết để thực hiện.Tại thời điểm bắt đầu ngày làm việc, người lao động phải có mặt tại địa điểm sản xuất, công tác và bắt tay vào làm việc, thực hiện nghĩa vụ lao động của mình. Sau thời điểm kết thúc ngày làm việc, người lao động mới có quyền rời khỏi nơi làm việc. Trường hợp làm việc theo ca, kíp, đã hết giờ làm việc nhưng chưa có người đến nhận ca thì người lao động không được phép tự tiện đóng máy hoặc bỏ ra về, mà phải báo ngay cho người quản lý biết để giải quyết.

Thứ hai, ngày làm việc rút ngắn: để có thể bảo vệ tốt hơn sức khỏe cho những người làm những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc những người do sinh lý hay chức năng có những đặc điểm riêng, như lao động nữ thai nghén giáp kỳ sinh con, lao động chưa thành niên, người tàn tật, người cao tuổi thì pháp luật quy định rút ngắn thời giờ làm việc ngắn hơn thời giờ làm việc của ngày làm việc bình thường (tức ít hơn 8 giờ/ngày) mà vẫn giữ nguyên lương..

Ngày làm việc rút ngắn được quy định cho những người làm những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ nữ có thai từ tháng thứ 7, lao động nữ có con dưới 12 tháng tuổi, lao động chưa đủ 18 tuổi, lao động là người tàn tật, lao động là người cao tuổi (nam từ 59 tuổi trở lên, nữ từ 54 tuổi trở lên) – những đối tượng này thời gian làm việc hàng ngày được giảm ít nhất 1 giờ.Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt độc hại hoặc đặc biệt nguy hiểm thì thời gian làm việc hàng ngày được giảm ít nhất 2 giờ.

– Ngày làm việc không có tiêu chuẩn

Ngày làm việc không có tiêu chuẩn là loại ngày làm việc được quy định cho một số đối tượng nhất định, do tính chất của công việc mà họ phải thực hiện những nhiệm vụ lao động ngoài giờ làm việc bình thường nhưng không được trả thêm lương.

Theo quy định của pháp luật, những đối tượng sau đây áp dụng ngày làm việc không theo tiêu chuẩn: (i) Những người lao động có tính chất phục vụ, phải thường xuyên ăn, ở, làm việc trong phạm vi cơ quan, xí nghiệp. (ii) Công nhân hoặc cán bộ do tính chất công việc phụ trách mà phải thường xuyên đi sớm và về muộn hơn những người lao động khác. Ví dụ như công nhân phụ trách máy phát điện, công nhân phụ trách bảo dưỡng, kiểm tra, lau chùi máy móc, những người quét dọn nhà xưởng.v.v… (iii) Những người lao động do những điều kiện khách quan mà họ không thể xác định được trước thời gian làm việc cụ thể. Ví dụ như cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ quản lý, nhân viên ngoại giao.v.v… hoặc những người lao động do tính chất công việc được giao mà họ tự ý bố trí thời gian làm việc của mình như cán bộ nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật… Tuy nhiên thời gian của ngày làm việc tiêu chuẩn vẫn là cơ sở để giao công việc và nghiệm thu kết quả làm việc của họ.

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây