Trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

0
1491

Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Khi tranh chấp phát sinh, “thương lượng” là một trong những yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Nếu thương lượng thành, các bên phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện kết quả thương lượng. Tuy nhiên, sẽ ra sao khi các bên không tiến hành thương lượng hoặc tiến hành thương lượng nhưng không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện nghiêm chỉnh kết quả thương lượng thành?
Trường hợp 1: Vụ việc không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết ( Quy định tại khoản 1, Điều 201, Bộ luật lao động năm 2012). Trường hợp này, không cần phải qua thủ tục hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động mà chuyển sang yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp 2: Các trường hợp còn lại (bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động) thì Hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thứ nhất, về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua Hòa giải viên lao động

Hòa giải viên lao động đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân vì khi tranh chấp xảy ra mà Hòa giải viên lao động giải quyết được sẽ rút ngắn được thời gian hòa giải, không phải nhờ đến Tòa án giải quyết.

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của Hòa giải viên lao động được quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị định 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động; Điều 7 Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ- CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động.

Cụ thể là:

i. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

ii. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp zhoà giải.

iii. Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

iv. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

v. Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

vi. Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động. Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

vii. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Thứ hai, về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án

(i) Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo thủ tục sơ thẩm

Trong giai đoạn sơ thẩm, các hoạt động tố tụng tại Tòa án bao gồm: Thụ lý vụ án lao động, chuẩn bị xét xử và xét xử sơ thẩm vụ án lao động.
Khởi kiện, thụ lý vụ án lao động:
Chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự nói chung được quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đơn khởi kiện phải được làm bằng văn bản và đầy đủ nội dung được quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Chuẩn bị xét xử và hòa giải:
Đây là những hoạt động được thực hiện nhằm phục vụ cho việc xét xử vụ án. Hòa giải là thủ tục tố tụng bắt buộc trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Nếu hòa giải thành, việc giải quyết vụ án sẽ chấm dứt, Tòa án tiến hành lập biên bản công nhận sự hòa giải của các bên và các bên có nghĩa vụ thi hành các thỏa thuận đã đạt được trong biên bản hòa giải.
Tố tụng tại phiên Tòa sơ thẩm:
Trình tự tiến hành phiên tòa sơ thẩm được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, gồm 4 bước: Thủ tục bắt đầu phiên tòa (Điều 213 đến Điều 216); thủ tục hỏi tại phiên tòa (Điều 217 đến Điều 231); tranh luận tại phiên tòa (Điều 232 đến Điều 235); nghị án và tuyên án (Điều 236 đến Điều 241).

(ii) Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án cấp phúc thẩm:

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Cơ sở của việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án cấp phúc thẩm: các bản án hoặc quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo trình tự pháp luật.

(iii) Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm dựa trên ba căn cứ: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ: mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ; Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết đã bị hủy bỏ.

Thứ ba, về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp:

i. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
ii. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây