Quy định về việc sử dụng lao động là người chưa thành niên

0
1319
Quy định về việc sử dụng lao động là người chưa thành niên. Người lao động theo quy định Bộ luật lao động 2012.


Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư! Năm nay cháu 17 tuổi (cháu sinh năm 2000). Cháu muốn đi làm thêm vào kì nghỉ hè vì muốn được trải nghiệm, cũng như là kiếm thêm chút tiền để phục vụ một số nhu cầu cá nhân mà không phải làm phiền đến bố mẹ. Luật sư cho cháu hỏi là ở độ tuổi của cháu thì đi làm những việc như là bán hàng ở tiệm bánh, cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng quần áo… thì có hợp pháp không? (vì cháu sợ là chưa đủ 18 tuổi thì không được đi làm do trên trang web một số cửa hàng muốn tuyển nhân viên có yêu cầu phải từ 18 tuổi trở lên, nhưng khi cháu nói chuyện và bày tỏ nguyện vọng thì họ nói rằng sẽ xem xét và thông báo sau). Nếu không thì ở độ tuổi của cháu (chưa đủ 18 tuổi) mà muốn đi làm thêm trong kì nghỉ hè hoặc trong năm học thì được phép làm những công việc như thế nào? Cho cháu hỏi thêm là, giả sử cháu có được một công việc làm thêm thì cháu cần phải làm những gì để đảm bảo quyền lợi cho bản thân mình? Như là cần phải có một hợp đồng lao động không? Và nếu phải có hợp đồng lao động thì trong hợp đồng phải có những điều khoản gì là tối thiểu để đảm bảo quyền lợi cho bản thân? Xin nhờ luật sư tư vấn
cho cháu. Cháu cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến V-Law. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Bạn 17 tuổi có được tham gia lao động không?

Căn cứ Điều 3 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

…”

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:

“Điều 3. Người giao kết hợp đồng lao động

2. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;

c) Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi;

d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

…”

Theo quy định trên, người sử dụng lao động được quyền sử dụng người lao động là người chưa đủ 18 tuổi; như vậy trường hợp bạn 17 tuổi muốn tham gia quan hệ lao động thì khi giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của bạn.

2. Công việc bạn được làm?

Căn cứ Điều 162 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

“Điều 162. Sử dụng người lao động chưa thành niên

1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.

2. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.”

Điều 163 Bộ luật lao động 2012 quy định nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên như sau:

“Điều 163. Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên

1. Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

3. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác;

5. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá”.

Theo quy định trên, đối với người lao động là người chưa thành niên, cụ thể là người lao động 17 tuổi thì người sử dụng lao động không được sử dụng bạn làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của bạn, cụ thể là các công việc ban hành kèm theo danh mục tại Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH.

3. Điều khoản trong hợp đồng lao động.

Nội dung hợp đồng lao động có các nội dung theo quy định tại Điều 23 Bộ luật lao động 2012 như sau:

“Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

…”.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây