Nghĩa vụ của người lao động nghỉ việc khi hết hạn hợp đồng

0
1246
Nghĩa vụ của người lao động nghỉ việc khi
hết hạn hợp đồng. Nghĩa vụ hoàn trả tiền thưởng của người lao động khi nghỉ
việc.


Tóm tắt câu hỏi:

Tôi ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm với Công ty
X kể từ ngày 15/11/2014. Đến ngày 16/10/2015, tôi làm đơn đề nghị được chấm dứt hợp đồng lao động
kể từ ngày 16/11/2015 với lý do hợp đồng lao động hết hạn và không có nhu cầu ký tiếp hợp đồng.
Ngày 30/10/2015, Giám đốc phê duyệt trên đơn đề nghị của tôi là đồng ý không ký tiếp hợp đồng và
yêu cầu tôi hoàn trả lại số tiền thưởng đã chi giữa năm 2015 thì mới hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội,
với lý do số tiền thưởng này là chi trước cho cuối năm 2015. Do tôi chưa làm việc hết năm 2015 và
kết quả làm việc trong những tháng trước đó (trong năm 2015) chưa đạt yêu cầu nên phải hoàn trả
lại. Ngày 4/11/2015, tôi bàn giao công việc và viết đơn xin nghỉ phép từ ngày 05/11/2015 đến
15/11/2015 (07 ngày làm việc). Do trong năm tôi còn 8 ngày nghỉ phép chưa sử dụng nên sử dụng để
nghỉ. Đồng thời trong ngày, đơn xin nghỉ phép của tôi được Giám đốc phê duyệt.

Vậy, cho tôi hỏi là:

1, Tôi có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền thưởng nêu
trên hay không? Việc công ty không hoàn trả sổ bảo hiểm cho em có đúng quy định của pháp luật hay
không? Tôi cần phải làm gì để lấy lại được sổ bảo hiểm của mình?

2, Việc em viết đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao
động là có cần thiết không (do hợp đồng lao động sắp hết hạn) và việc tôi dùng số ngày phép còn lại
để xin nghỉ trước khi hợp đồng lao động hết hạn có đúng quy định không? Tôi xin chân thành cảm
ơn!

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến V-Law. Với thắc mắc của bạn, V-Law xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như
sau:

1, Theo căn cứ tại Điều 70 Bộ Luật lao động 2012 có
quy định về việc, tiền thưởng là một trong số các nội dung của Thương lượng tập thể. Nghĩa là phía
tập thể người lao động đã thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động về vấn đề tiền thưởng này
theo nguyên tắc và quy trình thương lượng tập thể theo quy định của Bộ Luật lao động 2012 và phải
được lập thành văn bản.

Như vậy, bạn cần xác định, trong biên bản họp thương
lượng tập thể về nội dung thương lượng, có nội dung nào quy định về việc hoàn trả lại tiền thưởng
chi trước này hay không? Nếu có, bạn phải hoàn trả lại số tiền thưởng này cho phía Công
ty.

Theo căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định về
Quyền của người lao động với sổ bảo hiểm xã hội, thì người lao động có quyền được nhận sổ bảo hiểm
xã hội khi không còn làm việc. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho
người lao động khi người đó không còn làm việc.

Theo căn cứ tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao
động 2012 cũng quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao
đông.

Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày
chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến
quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và
những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Từ các quy định trên, nếu có quy định về việc hoàn
trả lại số tiền thưởng hay điều kiện hưởng số tiền thưởng chi trước đó trong nội dung biên bản họp
Thương lượng tập thể, thì bạn có nghĩa  vụ hoàn trả lại cho phía người sử dụng lao động là bên
Công ty của bạn. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, bạn và bên Công ty
có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, có thể kéo dài
nhưng không quá 30 ngày.

Khi đó, phía Công ty bạn phải hoàn thành thủ tục xác
nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ của bạn.

Trong trường hợp nội dung biên bản thương lượng
không đề cập gì đến điều kiện của số tiền thưởng hay việc hoàn trả lại hoặc trường hợp có đề cập mà
bạn đã hoàn trả lại số tiền đó mà Công ty không trả sổ bảo hiểm cho bạn là vi phạm quy định Pháp
luật. Bạn có thế gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở
yêu cầu hòa giải hoặc làm đơn khởi kiện gửi ra phía Tòa án cấp quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ
sở để được giải quyết.

2, Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao
động 2012, một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động là khi hết hạn hơp đồng lao động,
trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn
mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm
kỳ.

Như vậy, khi hợp đồng lao động hết hạn đồng nghĩa
với việc bạn và người sử dụng lao động đã chấm dứt hợp đồng đúng luật và cả hai bên đều biết lý do
chấm dứt hợp đồng do đó bạn không cần thiết phải viết đơn xin nghỉ việc.

Theo quy định tại Điều 111 Bộ Luật lao động 2012 về
việc Nghỉ hàng năm, thì Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham
khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động. Nếu bạn muốn dùng số
ngày nghỉ phép còn lại này để xin nghỉ trước thì cần có sự thỏa thuận với phía công ty của bạn. Nếu
bạn tự ý nghỉ phép mà chưa được sự đồng ý của Công ty là vi phạm nội quy lao động, kỷ luật lao
động.

Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 114 Bộ luật Lao động
2012 có quy định về việc thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ: thì người lao động do thôi
việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ
hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

Do đó, bạn có thể tiếp tục làm việc và được hưởng số
tiền thanh toán những ngày chưa nghỉ hoặc nghỉ những ngày phép chưa sử dụng đến đó nếu được sự đồng
ý phía Công ty bạn.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được
trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư
vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng
tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của
chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây