Giải quyết quyền lợi cho người lao động nghỉ việc sau khi hết thời gian thử việc

0
1274

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào V-law, tôi đang gặp trường hợp như sau mong được trả lời giúp:

1. Tôi đang làm việc cho 01 công ty TNHH, tôi làm việc ở công ty từ ngày 07/09/2017, kí hợp đồng thử việc ở công ty 02 tháng nhưng hiện tại tôi đã làm việc hết tháng thứ 4 nhưng công ty không kí hợp đồng lao động với tôi vậy tôi có trở thành nhân viên chính thức ở công ty không? hiện tại quan hệ giữa tôi và NSDLĐ là gì? (Lúc vào công ty yêu cầu thử việc 3 tháng nhưng do trái luật nên thời gian trong HĐTV ghi lùi lại 1 tháng là 07/10/2017-06/12/2017).

2. Qua tháng sau (tháng thứ 5) tôi muốn xin nghỉ việc, do công ty không kí HĐLĐ và đóng BHXH cho tôi (mặc dù tôi đã làm kiến nghị lên Giám đốc nhưng vẫn không có câu trả lời, tôi hỏi trực tiếp thì bảo “chờ”). Vậy tôi nghỉ việc có cần báo trước cho công ty hay không?

3. Tôi được biết: ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong thời gian thử việc ngoài mức lương thử việc trong hợp đồng, tôi không được nhận thêm khoản tiền nào cả. Như vậy tôi có được nhận bổ sung khi khiếu nại không?

4. Nếu tôi muốn tìm 01 đơn vị bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tôi thì tôi khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội nơi tôi làm việc là đúng trình tự không?

Mong nhận được phản hồi sớm từ V-law, tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới V-law chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 27, Điều 28 và Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”

Theo thông tin bạn đưa ra: bạn có giao kết với người sử dụng lao động một hợp đồng thử việc có thời hạn không quá 02 tháng, nhưng khi bạn làm đến tháng 4 công ty vẫn không có hợp đồng giao kết nào.

1. Như vậy, về nguyên tắc, sau khi thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, nếu thử việc không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận thì 2 bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Theo đó, khi hết thời gian thử việc mà công ty không ký kết hợp đồng lao động với người lao động, người lao động cũng không được thông báo kết quả thử việc và vẫn tiếp tục làm việc cho công ty, thì người lao động đương nhiên được làm việc chính thức.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về trường hợp vẫn tiếp tục làm việc sau khi kết thúc thời gian thử việc thì được làm việc chính thức sẽ tương ứng với loại hợp đồng lao động nào và trong thời hạn bao lâu?

Do đó, phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng thử việc để biết trường hợp sau khi thử việc đạt yêu cầu thì hai bên sẽ ký hợp đồng lao động loại nào, dùng thông tin này làm cơ sở xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng lao động được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc.

2. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, Công ty không ký hợp đồng lao động và có đề nghị chấm dứt quan hệ lao động với người lao động, nếu người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận chấm dứt quan hệ lao động đó. Trường hợp người lao động không đồng ý, thì công ty phải đơn phương chấm dứt hợp đồng đã được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc, phải thực hiện đúng quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, có căn cứ và tuân thủ thời gian báo trước theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012.

3. Căn cứ Điều 28 nêu trên: trong thời gian thử việc ngoài mức lương thử việc trong hợp đồng, bạn sẽ không có mức trợ cấp nào khác, trừ trường hợp có thỏa thuận với người sử dụng lao động.

4. Bạn muốn tìm 01 đơn vị bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bạn thì tôi khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội nơi bạn làm việc là đúng trình tự, căn cứ Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“Điều 195. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết tranh chấp lao động

1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hoà giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chủ động, kịp thời tiến hành giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.”

Lưu ý: Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 1900.6198 để được hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây