Giải quyết quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

0
1150

Tóm tắt câu hỏi:

Em đã làm việc tại công ty NMH được hơn 4 tháng, trước 2 tháng thử việc thì em được nhận một văn bản khen thưởng và được thông báo là được kí hợp đồng chính thức 2 năm kể từ ngày nhận thông báo (được CC đến nhiều người). Nhưng sau 1 tháng kể từ ngày nhận thông báo thì em có yêu cầu công ty giao cho em 1 bản hợp đồng chính thức thì phòng nhân sự viện nhiều lý do cùng với nhiều mâu thuẫn về việc trả lương nên em đã viết đơn xin nghỉ việc theo như “hợp đồng thông báo qua mail” là báo trước 30 ngày sau đó. Kể từ ngày nghỉ việc, tức sau 2 tháng, công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương cho em cũng như sổ bảo hiểm xã hội cho em, hẹn nhiều lần, mặc dù 2 tháng trở thành nhân viên chính thức của công ty em đã bị trừ tiền đóng bảo hiểm 10.5% đều. Vậy em có thể làm cách nào để lấy lại tiền lương của mình cũng như quyền lợi của mình? Em xin cảm ơn quý luật sư !

Trả lời tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho V-law chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

Theo điều 36, BLLĐ năm 2012, Hợp đồng của bạn là hợp động xác định thời hạn (2 năm) nên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bạn phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

Như vậy, để việc bạn chấm dứt hợp đồng là đúng pháp luật thì ngoài việc thực hiện đúng thủ tục báo trước cho NSDLĐ bạn còn phải chứng minh được việc chấm dứt của mình là đúng căn cứ, trong trường hợp của bạn thì bạn có thể viện dẫn căn cứ: “không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động“.

Nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật thì quyền lợi của bạn như sau:

Thứ nhất, bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc vì điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc là nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Thứ hai, bạn sẽ được hoàn trả các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”

Thứ ba, được thanh toán các quyền lợi liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.” Các khoản tiền được đề cập có thể bao gồm: các khoản nợ lương, thanh toán tiền những ngày nghỉ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012.

Để được đảm bảo những quyền lợi trên, bạn có thể thực hiện các thủ tục sau:

– Tiến hành bàn bạc, thương lượng với NSDLĐ, yêu cầu NSDLĐ giải quyết các quyền lợi của bạn khi chấm dứt HĐLĐ.

– Nếu việc thương lượng mà không đi đến thoả thuận chung, hoặc một trong hai bên từ chối thương lượng, cần phải có sự can thiệp của chủ thể thứ ba thông qua thủ tục hoà giải, trọng tài hoặc xét xử để giải quyết tranh chấp lao động.

– Thực hiện khiếu nại theo quy định của Nghị định 119/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.

Lưu ý: Trên đây là nội dung tư vấn của V-law về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ 1900.6198 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây