Đơn phương chấm dứt hợp đồng xuất khẩu lao động

0
1892

Đơn phương chấm dứt hợp đồng xuất khẩu lao động có được hoàn tiền môi giới không? Nếu được hoàn tiền môi giới được bao nhiêu?


Tóm tắt câu hỏi:

Thưa luật sư, tôi là người lao động đã làm việc tại công ty X. Tuy nhiên, tháng 12/2018 thông qua một người quen tôi biết đến trung tâm môi giới người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mức lương là 20 triệu/tháng với thời gian làm việc là 12h/ngày. Nhận thấy đây là công việc có thu nhập cao so với công ty tôi trả và thời gian làm việc cũng không quá nhiều nên tôi quyết định ký kết hợp đồng xuất khẩu lao động. Theo đó, tôi phải trả phí môi giới cho công ty môi giới tôi sang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài là 150 triệu và 50 triệu để hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Tuy nhiên, sau khi tôi sang Đài Loan xuất khẩu lao động thì người sử dụng lao động bên đó bắt chúng tôi làm việc 16h/ngày và chúng tôi không thể đáp ứng được sức khỏe để làm việc nên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi muốn hỏi luật sư, việc công ty môi giới không thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết với tôi có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Trong trường hợp tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hoàn tiền môi giới không?
Tôi rất mong luật sư có thể giúp tôi giải đáp vấn đề tôi đang băn khoăn.
Tôi xin chân thành cảm ơn !

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198

Luật sư tư vấn

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi thắc mắc của mình tới Công ty Luật TNHH Everest để nhận được tư vấn của luật sư liên quan đến các quy định của pháp luật về việc thực hiện hợp đồng lao động trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Đây là một trong những vấn đề mà số đông người lao động Việt Nam khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu lao động gặp phải. Từ những thắc mắc mà bạn đang gặp phải gửi về cho Công ty, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc công ty môi giới không thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết với tôi có vi phạm các quy định của pháp luật hay không?

Theo Điều 4 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định:

Điều 4. Nội dung hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

“Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm các nội dung sau đây:

1. Ký kết các hợp đồng liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

2. Tuyển chọn lao động;

3. Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

4. Thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

5. Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

6. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

7. Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

8. Các hoạt động khác của tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều luật trên quy định về quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc công ty môi giới không thực hiện đúng các nội dung đã được ghi trong hợp đồng lao động đã ký kết đã vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hoàn tiền môi giới không?

Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04/9/2007 quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 5 Thông tư liên tịch quy định về hoàn tiền môi giới:

“Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Do thông tin bạn cung cấp không rõ về thời hạn hợp đồng lao động do vậy chúng tôi tư vấn bạn như sau:

Trường hợp bạn phải về nước trước thời hạn do phải làm việc không giống như thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì:

  • Doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.
  • Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây