Công ty cần lưu ý gì khi tổ chức làm thêm giờ

0
1074

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, không ít lần người sử dụng lao động có nhu cầu người lao động làm thêm giờ. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi tốt nhất của hai bên đặc biệt là người lao động, người sử dụng lao động cần lưu ý rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tổ chức người lao động làm thêm giờ.

Bài tư vấn pháp luật lao động được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

– Không sử dụng lao động làm thêm quá số giờ quy định

Theo quy định pháp luật lao động, cụ thể là Bộ luật Lao động năm 2012, thời gian làm thêm giờ của người lao động được quy định như sau:

Nếu làm việc theo ngày: Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày;

Nếu làm việc theo tuần: Tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;

Trung bình: Không quá 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm.

Ngoại lệ: Không quá 300 giờ/năm khi sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

Trường hợp vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 25 – 50 triệu đồng (theo khoản 4 Điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP).

– Lao động từ 15 – 18 tuổi chỉ làm thêm giờ với một số việc

Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ, người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết danh mục các công việc mà người từ 15 đến dưới 18 tuổi được làm thêm, chỉ có danh mục các công việc cấm người lao động trong độ tuổi này như nhuộm, hấp vải sợi; sơ chế tre, nứa, mây, cói; làm việc trên máy bay… (theo Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH).

Căn cứ vào danh mục này, người sử dụng lao động nên rà soát, bố trí để người lao động làm công việc phù hợp với độ tuổi.

Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng nếu sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép hoặc phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng nếu sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm (theo Điều 19 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP).

– Không sử dụng phụ nữ mang thai làm thêm giờ

Tương tự như lao động chưa thành niên, lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ có thai cũng cần được quan tâm đặc biệt. Do vậy, Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Nếu cố tình sử dụng những lao động này làm thêm giờ, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 20 triệu đồng (theo Điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP).

– Thông báo với cơ quan Nhà nước khi làm thêm tới 300 giờ/năm

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, khi sử dụng lao động làm thêm giờ từ 200 – 300 giờ/năm với những công việc nêu trên (mục 1) thì doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương (Sở Lao động Thương binh và Xã hội).

Nếu không thực hiện đúng quy định này, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng (theo khoản 11 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP).

– Chỉ sử dụng khi được người lao động đồng ý

Không phải bất cứ khi nào người sử dụng lao động tổ chức làm thêm giờ thì người lao động cũng phải tuân theo, vì trong nhiều trường hợp, làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.

Do đó, pháp luật yêu cầu doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động.

Nếu không được sự đồng ý mà ép buộc người lao động làm thêm giờ, rất có thể doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP).

Tuy nhiên, theo Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2012, vẫn có những trường hợp doanh nghiệp được quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà người lao động không được từ chối:

1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa“.

– Đảm bảo trả đủ lương làm thêm giờ cho người lao động

Để bù lại công sức của người lao động, doanh nghiệp có nghĩa vụ trả đúng và đủ tiền lương làm thêm giờ cho người lao động. Theo Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012, khoản tiền này được tính như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày“.

Trường hợp, làm thêm vào ban đêm: ngoài tiền lương làm đêm, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây