Điều kiện, thủ tục xin hưởng chế độ hỗ trợ học nghề:

chế độ hỗ trợ học nghề, trình tự thủ tục, Hồ sơ xin hưởng chế độ hỗ trợ học nghề, Thời gian hưởng chế độ học nghề, mức hưởng chế độ học nghề, Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ học nghề

0
1392

Chế độ hỗ trợ học nghề là một trong các chế độ mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Hỗ trợ học nghề nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động nhằm đào tạo nghề nghiệp, giúp họ nhanh chóng hòa nhập vào thị trường việc làm rất năng động như hiện nay.

Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ học nghề

Theo quy định tại Điều 55 Luật việc làm 2013, chế độ hỗ trợ học nghề chỉ áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, người lao động được hưởng chế độ học nghề khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

Thứ nhất, người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chế độ này không bao gồm người đang hưởng lương hưu, người chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Thứ hai, người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tại trung tâm dịch vụ việc làm.

Thứ ba, người lao động đã đóng đủ 09 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thứ tư, người lao động vẫn chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ một số trường hợp: người lao động đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hoặc đang đi học tập có thời hạn dài từ 12 tháng trở lên; đang trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc,…

Thời gian, mức hưởng chế độ học nghề

Người lao động khi đáp ứng được các điều kiện trên sẽ thủ tục hưởng chế độ học nghề, sau khi được chấp nhận thì người lao động sẽ được hưởng hỗ trợ học nghề trong khoảng thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng với mức hưởng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, theo Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệpgồm 2 mức hỗ trợ như sau:

Mức thứ nhất áp dụng đối với người tham gia các khóa học nghề đến 03 tháng: tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Mức thứ hai áp dụng đối với người tham gia các khóa học nghề trên 03 tháng: tối đa 600.000 đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả. Lưu ý là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề được hỗ trợ kinh phí để học một nghề và một lần, thực hiện thông qua cơ sở dạy nghề; không hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho người lao động để tự học nghề.

Hồ sơ xin hưởng chế độ hỗ trợ học nghề

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, thì tùy từng trường hợp mà hồ sơ cần chuẩn bị cũng khác nhau. Cụ thể:

Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệpchỉ cần đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.

Còn đối với người lao động bị thất nghiệp đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hồ sơ cần chuẩn bị cũng phức tạp hơn, bao gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề; bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận sự kiện chấm dứt hợp đồng lao động như quyết định nghỉ việc, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc và sổ bảo hiểm xã hội (bản chính).

Trình tự, thủ tục

Bước 1: Người lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ trên và mang nộp tại Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp người lao động không trong diện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề.

Bước 2: Sau khi nhận đầy đủ toàn bộ hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ xem xét, kiểm tra hồ sơ để xác minh các thông tin liên quan đến việc học nghề của người lao động.

Bước 3: Trung tâm dịch vụ việc làm phải trình Sở Lao động thương binh và xã hội quyết định về việc có hỗ trợ học nghề đối với người lao động đó hay không trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày Trung tâm dịch vụ việc làm nhận được hồ sơ từ người lao động. Quyết định sẽ được gửi cho người lao động và các bên liên quan. Trường hợp không được hỗ trợ phải gửi câu trả lời bằng văn bản cho người lao động.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây