Bị quấy rối nơi làm việc, người lao động phải làm thế nào?

0
1470

Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc luôn là vẫn đề gây bức xúc trong xã hội. Không ít vụ việc xảy ra tại nơi làm việc nhưng hầu như không có bất cứ sự bảo vệ nào. Có cách nào để đối phó với những hành vi này?

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thế nào là quấy rối nơi làm việc (công sở)?

Khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

Ngoài ra, theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam công bố: “Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, thù địch và khó chịu”.

Các hành vi quấy rối có thể là: Quấy rối bằng hành vi, quấy rối bằng lời nói, quấy rối bằng hành vi phi lời nói. Đây là một trong những hành vi nghiêm trọng bị cấm theo Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:1. Phân biệt đối xử trong lao động. 2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động. 3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật. 5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. 6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật. 7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật”.

Cách xử lý với trường hợp quấy rối nơi công sở

Quấy rối thường là những hành vi rất khó chứng minh và dễ bị chối bỏ bởi khó có thương tổn rõ ràng trên cơ thể và người thực hiện cho rằng đó chỉ là vui đùa, trêu ghẹo. Tuy nhiên, mức độ đau xót và những hệ lụy lâu dài của nó đối với nạn nhân sẽ là nỗi ám ảnh đè nặng lên tâm lý đến suốt cuộc đời.

Chính vì vậy, mỗi người lao động rơi vào trường hợp này nên biết cách để đối phó và loại bỏ nó.

Kín đáo, lịch sự và nghiêm túc nơi công sở

Công sở là nơi làm việc, chính vì vậy, lao động nữ nên lựa chọn cho mình những bộ trang phục nhã nhặn. Điều này sẽ tránh được việc gây thu hút, lòng ham muốn của người khác giới.  Bên cạnh đó, khi nghe thấy những lời chọc ghẹo, tán tỉnh hãy thờ ơ với nó, không quan tâm tới những chuyện xung quanh, tập trung vào công việc.

Khiếu nại tới cấp trên

Nếu những lời nói hay hành vi quấy rối không có dấu hiệu dừng lại và vượt quá tầm kiểm soát của bản thân thì người lao động nên khiếu nại tới cấp trên, người có thẩm quyền giải quyết trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình.

Việc khiếu nại có thể thực hiện trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn. Thời hiệu khiếu nại tới cấp trên là 180 ngày, kể từ ngày xảy ra hành vi quấy rối

Trường hợp quá 30 ngày mà cấp trên không giải quyết hoặc giải quyết không hiệu quả thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính.

Nhờ pháp luật can thiệp

Trường hợp việc quấy rối nơi công sở trở nên quá phức tạp và không thể tự giải quyết, lao động nữ nên thu thập bằng chứng, chứng cứ, từ những tin nhắn, lời nói, hình ảnh, … cho đến những hành vi để trình báo tới cơ quan hành pháp.

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người quấy rối “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nghiêm trọng hơn, người quấy rối “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” có thể bị phạt tù tới 05 năm (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015).

Chấm dứt hợp đồng lao động

Nếu như quá mệt mỏi và sợ hãi khi mọi cách đều không thể giải quyết được vấn đề, và trường hợp đặc biệt, người quấy rối chính là “sếp” thì cách tốt nhất để người lao động bảo vệ chính mình và kết thúc mọi chuyện là thôi việc và tìm một công việc khác.

Trong trường hợp này, theo Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động bị quấy rối tình dục được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và không cần báo trước.

Sức khỏe, danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, mỗi người lao động nên tự biết cách bảo vệ chính mình và bảo vệ những người xung quanh trước hành vi quấy rối nơi công sở.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây