Thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động

0
1166

Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo cho người lao động trong việc bù đắp một khoản tiền cho người lao động khi người lao động khi gặp tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp, nghỉ hưu, mắc bệnh hiểm nghèo…Khi người lao động ký hợp đồng với chủ thể sử dụng lao động thì chủ thể sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Sổ bảo hiểm xã hội là minh chứng ghi lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, chính vì thế khi người lao động nghỉ việc thì doanh nghiệp cần chốt bảo hiểm cho người lao động để cơ quan bảo hiểm xã hội có thể ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm của người lao động, để từ đó tính toán được các chế độ liên quan mà người lao động được hưởng khi tham gia Bảo hiểm xã hội. Do vậy việc chốt sổ Bảo hiểm xã hội là việc làm rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động.

Tại Khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây: a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động; b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả”.

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục xác nhận và tiến hành trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do vậy người lao động có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra theo khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với việc trả sổ cho người lao động, theo đó các đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm tiến hành xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc, đồng thời tiến hành trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Từ những quy định trên, người sử dụng lao động phải chủ động phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để tiến hành chốt sổ cho người lao động. Khi người lao động thôi việc, nghỉ việc hoặc hết hạn hợp đồng lao động thì ngoài việc phải tiến hành chốt sổ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động trước hết phải tiến hành báo giảm lao động vì còn liên quan đến việc đóng tiền bảo hiểm y tế cho người lao động.

Hồ sơ chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Khi muốn chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì người sử dụng lao động phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, trong đó bao gồm cả hồ sơ báo giảm lao động.

Thứ nhất, về hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ việc, căn cứ theo quy định của Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, hồ sơ báo giảm lao động gồm:

Phiếu giao nhận hồ sơ 600a có hiệu lực từ ngày 10/10/2017 quy định về hồ sơ trong trường hợp báo giảm lao động đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mẫu D02-TS ban hành kèm quyết định số 595/ĐQ-BHXH năm 2017.

Bảng kê thông tin (theo mẫu D01-TS).

Thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng của Người lao động.

Bản sao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hợp đồng làm việc vừa hết hạn.

Thủ tục báo giảm lao động khá đơn giản, Người sử dụng lao động cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp tới cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành thực hiện việc ghi nhận báo giảm lao động tham gia Bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, về hồ sơ chốt sổ bảo hiểm xã hội,căn cứ theo quy định tại Tiết 1.2 Điểm b Khoản 1 Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 và phiếu giao nhận hồ sơ số 620 được sử dụng từ ngày 27/11/2017, phiếu giao nhận này quy định về việc cơ quan bảo hiểm xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dừng đóng bảo hiểm tại đơn vị sử dụng lao động. Bao gồm những giấy tờ sau:

Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu TK3-TS ban hành kèm Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mẫu D02-TS ban hành kèm Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

Bảng kê thông tin (theo mẫu D01-TS).

Tờ bìa sổ Bảo hiểm xã hội hoặc các tờ rơi (trường hợp người lao động đã tham gia Bảo hiểm xã hội nhiều lần).

Các tờ rơi của sổ bảo hiểm xã hội thuộc bản chính của sổ bảo hiểm xã hội.

Trình tự thủ tục chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện hoặc cấp tỉnh, trình tự thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hộ cho người lao động được quy định như sau:

Bước 1: Người sử dụng lao động nộp toàn bộ hồ sơ đó tại tổ tiếp nhận hồ sơ của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đơn vị đóng trụ sở nếu số bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm cấp huyện trực tiếp thu. Nếu sổ bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh trực tiếp thu thì nộp hồ sơ tại phòng tiếp nhận hồ sơ của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

Về hình thức gửi, người sử dụng lao động có thể gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua mạng trên cổng thông tin giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 3 Điều 96 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ năm 2015.

Bước 2: Theo Điều 33 Quyết định số 595/QĐ-BHXH Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp nhận hồ sơ, dữ liệu hồ sơ bảo hiểm (nếu có) nếu hồ sơ hợp lệ thì cơ quan bảo hiểm cấp huyện hoặc cấp tỉnh sẽ tiến hành giải quyết trường hợp đơn vị báo giảm lao động và xác nhận sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bước 3: Nhận kết quả, căn cứ theo Tiết 1.5 Khoản 1 Điều 32 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017, sau khi hoàn tất thủ tục đơn vị sử dụng lao động sẽ nhận kết quả như sau: Thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác nếu có như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp (theo mẫu C12-TS ban hành kèm Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017) trong mỗi tháng để kiểm tra, đối chiếu, nếu có sai lệch, cùng phối hợp với cơ quan BHXH để giải quyết, phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc bưu điện (nếu nhận kết quả qua bưu điện) để thông báo mã số bảo hiểm xã hội cho người lao động và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây