Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc trả lương

0
1644

Người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ trong việc quy định hệ thống thang, bảng lương,định mức lao động, quy chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương…áp dụng trong doanh nghiệp…

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng lao động

Khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, Điều 6 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;

Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;

Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc trả lương

Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán và phải được duy trì trong một thời gian nhất định, trường hợp thay đổi hình thức trả lương thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày. Điều này nhằm đảm bảo sự ổn định cho quan hệ lao động, tránh xáo trộn đời sống sinh hoạt của người lao động. Với hình thức trả lương theo thời gian, có thể lựa chọn trả lương theo năm, lương tháng, lương tuần, lương ngày và lương giờ, trong đó trả lương theo tháng là phổ biến và thông dụng nhất. Hình thức trả lương theo sản phẩm là hình thức trả lương căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao. Trả lương khoán là hình thức trả lương căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành. Thục chất, đây cũng là một trong những hình thức cụ thể của trả lương theo sản phẩm, áp dụng cho những công việc không thể giao từng chi tiết, từng bộ phận hoặc nếu giao từng chi tiết, từng bộ phận sẽ không hiệu quả.

Người sử dụng lao động có quyền quy định hệ thống thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương… áp dụng trong đơn vị. Với vị thế, vai trò là người đầu tư vốn, tư liệu sản xuất, khoa học công nghệ và là người thuê lao động, người sử dụng lao động có quyền quyết định phân phối thu nhập trong đơn vị mình thể hiện qua quyền quy định hệ thống thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế lương, phụ cấp lương, nâng bậc, nâng lương, tiền thưởng…. cho đơn vị. Để đảm bảo tính dân chủ và quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện trước khi quy định thang bảng lương, định mức lao động và công khai trong toàn đơn vị khi đưa vào thực hiện (Điều 93 Bộ luật lao động năm 2019).

Người sử dụng lao động có quyền khấu trừ tiền lương của người lao động theo quy định của pháp luật (Điều 102 Bộ luật lao động năm 2019). Theo đó, khi người lao động có hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp thì người sử dụng lao động có quyền khấu trừ vào tiền lương trước khi trả cho người lao động. Để đảm bảo điều kiện sống và ổn định sinh hoạt cho người lao động, pháp luật quy định mức khấu trừ tiền lương không quá 30% tiền lương hàng tháng sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm, thuế thu nhập (khoản 3 Điều 102 Bộ luật lao động).

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động uỷ quyền hợp pháp. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng không được hạn chế hay can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định. Pháp luật ghi nhận nghĩa vụ này như là một nguyên tắc trả lương trong chế độ tiền lương. Trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương theo cách tính quy định tạỉ Điều 97 Bộ luật lao động năm 2019.

Để đảm bảo giá trị và ý nghĩa của tiền lương, lương phải được trả bằng tiền đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài thì có thể bằng ngoại tệ. người sử dụng lao động cũng có thể trả trực tiếp hoặc qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản này thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Mỗi lần trả lương người sử dụng lao động phải kê khai bảng trả lương cho người lao động (Điều 95, 96 Bộ luật lao động năm 2019).

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây