Những chính sách bảo vệ Lao động nữ

0
1455

Do có những đặc điểm riêng biệt mà lao động nữ khó khăn hơn so với lao động nam về tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm lâu dài và bảo đảm thu nhập.

Hiện nay, pháp luật cũng có những sự ưu tiên nhất định dành cho lao động nữ để đảm bảo sự bình đẳng cũng như khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ có việc làm mang tính chất thường xuyên, liên tục.

Thứ nhất, căn cứ pháp lý

– Bộ luật Lao động năm 2012,
– Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.

Thứ hai, đảm bảo Quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ

Quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ là một trong những chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 153 Bộ luật Lao động năm 2012.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 85/2015/NĐ-CP thì “Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần ”.
Nhà nước bảo đảm bình đẳng về các lĩnh vực nêu trên trong quan hệ lao động, chính sách ưu đãi, xét giảm thuế.

Thứ ba, cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ

Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.

Người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ.

Thứ tư, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

Người lao động nữ được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khoẻ như khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản; Trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút trong một ngày, tối thiểu 3 ngày một tháng, thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương.

Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút một ngày để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi, thời gian nghỉ hưởng nguyên lương.

Thứ năm, việc sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ

Để bảo vệ cho quyền lợi của người phụ nữ, pháp luật quy định những trường hợp hạn chế người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ.

Theo đó, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Thứ sáu, hỗ trợ của Nhà nước đối với người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ để khuyến khích người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ nhằm bảo đảm cho lao động nữ có công việc ổn định, thường xuyên, lâu dài và bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ lao động nữ.

Các hỗ trợ của Nhà nước gồm: Được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.

Chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, nhằm bảo vệ lao động nữ.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây