Người lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động theo cách nào?

0
1226

Tóm tắt câu hỏi:

Em là sinh viên mới ra trường được 1 năm. Hiện

đang làm vị trí lập trình viên  tại 1 công ty lập trình phần mềm.Công ty hiện tại có yêu cầu
em nộp bằng gốc đại học và kí bản cam kết sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với công ty thì sẽ trả
lại. Ban đầu em có ngờ ngợ và hỏi 1 bạn khác trong công ty bạn ấy cũng bảo bản thân cũng đã nộp.Vì
mới ra trường. Chưa hiểu hết luật và quyền lợi của người lao động kèm với suy nghĩ sẽ cố gắng làm
hết 1 năm nên em đã vội nộp bằng gốc giấy tờ. Chưa hết, trong mail gửi cho em công ty có nói
sẽ đóng bảo hiểm đầy đủ cho em trong thời gian làm việc. Nhưng đến khi em bắt đầu kí hợp đồng chính
thức chị QLNS có nói với em rằng phải làm đến năm thứ 2 thì cty mới nộp bảo hiểm cho em. Nhưng khi
em đọc lại hợp đồng thì lại thấy có ghi là đã trả tiền bảo hiểm trong lương. Lương hiện tại của em
là 4.8tr. Nếu 1 tháng có 31 ngày thì số tiền lương trên ngày sẽ giảm.Trong thời gian chính thức
công ty yêu cầu 4 tháng đầu tiên mỗi tháng cty giữ 1tr và sẽ trả lại trong tháng thứ 12 (tháng cuối
khi kết thúc hợp đồng) nhưng lại không thấy ghi trong hợp đồng chính thức. Chỉ nói miệng và lôi căn
cứ từ tờ đơn trúng tuyển đã gửi cho em và thu tiền 1tr.Hiện tại em có xin nghỉ nhưng công ty không
cho phép nghỉ và yêu cầu nếu nghỉ phải bồi thường 10tr tiền đào tạo như trong hợp đồng đã kí. Hoặc
là làm tiếp.Em muốn hỏi Luật Việt là có cách nào em có thể xin nghỉ việc tại công ty. Lấy lại
hồ sơ của bản thân không?

Trả lời câu hỏi:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về
cho V-Law. Về yêu cầu của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp của bạn, công ty không đảm bảo việc đóng bảo hiểm xã
hội cho bạn như đã giao kết trong hợp đồng, và có hành vi giữ lại tiền lương của bạn mà trong hợp
đồng lao động không quy định. Như vậy, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy
định tại điểm a, b khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời
hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có
quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc
không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn
đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.”

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bạn phải báo cho người sử
dụng lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp của bạn là hợp đồng lao động có
thời hạn 1 năm.

Khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty bạn có
trách nhiệm được quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng
lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi
bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác
nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của
người lao động.”

Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt, công ty bạn có trách nhiệm
trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ mà công ty bạn đã giữ của bạn, tức hồ sơ của bạn.

Tuy nhiên, công ty của bạn có hành vi giữ lại bản gốc bằng đại học
của bạn, và trong thời gian chính thức công ty yêu cầu 4 tháng đầu tiên mỗi tháng công ty giữ 1
triệu và sẽ trả lại trong tháng thứ 12 (tháng cuối khi kết thúc hợp đồng) nhưng lại không ghi trong
hợp đồng chính thức. Việc công ty yêu cầu giữ lại tiền lương của bạn có thể được coi như hành vi
yêu cầu bạn thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Hành vi của công ty đã thuộc quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động
2012 về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết hợp đồng:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người
lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng
tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Hành vi của công ty đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao
động, có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với
người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người
lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc
tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Ngoài việc bị xử phạt về hành vi trên, công ty bạn còn phải thực hiện
các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

“a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ
đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động
cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối
với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành
vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”

Trường hợp khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty không bạn trả lại
bạn số tiền đang giữ, bạn có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và
Xã hội đề nghị giải quyết hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở
chính, đề nghị Tòa án giải quyết buộc công ty phải trả lại tiền đặt cọc cùng lãi suất của số tiền
bạn đã giao khi ký kết hợp đồng với công ty.

Trên đây là nội dung tư
vấn của V-Law về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật
sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng
tôi để được hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây