Đòi lại tiền đặt cọc khi bên dịch vụ thay đổi đơn hàng đi lao động ở nước ngoài

0
1264

Đòi lại tiền đặt cọc khi bên dịch vụ thay
đổi đơn hàng đi lao động ở nước ngoài. Trách nhiệm bồi thường khi vi phạm hợp đồng dịch vụ đưa
người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài.


Tóm tắt câu hỏi:

Thưa luật sư ! Tôi có một việc muốn hỏi luật sư ,
xin luật sư tư vấn giúp . Trong tháng 5/2016 ( dương lịch ) , chồng tôi có đăng ký đi lao phổ thông
bên Đài Loan của công ty Tân Nhật Hưng Dragon (Hà Nội ) và bên công ty yêu cầu đặt cọc 1.000USD (
có biên lai nhận tiền ) , đơn hàng 2 bên thỏa thuận là OK và phía công ty báo chồng tôi đợi làm thủ
tục VISA trong thời gian 1 tuần là bay .Nhưng đợi đến 3 tuần không có tin tức gì và chồng tôi thấy
sốt ruột lên công ty hỏi thì anh ấy nhận đc kết quả thay đổi đơn hàng từ Thực Phẩm sang làm Mái lợp
tôn , chính vì lý do thay đổi đơn hàng này không có sự báo trước cho người lao động mà đợi chồng
tôi lên hỏi mới thông báo chuyển đơn hàng vì vậy chồng tôi báo do lỗi của công ty và sẽ không đi
nữa và công ty lại hướng cho chồng tôi sang 1 số đơn khác để líu kéo nhưng chồng tôi vẫn quyết định
không đi nữa vì lý do công ty làm an không có sự minh bạch .Và chồng tôi yêu cầu rút hồ sơ , bây
giờ công ty bắt chờ đợi để giải quyết hồ sơ nhưng vẫn chưa có thời gian hẹn cụ thể nhưng vì điều
kiện công việc chồng tôi muốn có 1 cái hẹn cụ thể và muốn lấy lại tiền và giấy tờ để lo công việc
mới nhưng công ty lại báo sẽ bị phạt 500USD Vậy thưa luật sư, với tình huống trên thì sẽ sử lý như
thế nào và chúng tôi có phải chịu phạt 500USD hay không , xin luật sư tư vấn giúp để chúng tôi hiểu
rõ hơn luật này ?

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập
– Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT V-Law. Với thắc mắc của bạn, Công
ty LUẬT V-Law xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như
sau:

* Cơ sở pháp luật:

– Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội : Hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc
ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng.

Nghị định 119/2014/NĐ-CP quy định
chi tiết một số điều của Bộ luật lao động, luật dạy nghề, luật người lao động Việt Nam đi làm việc
ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.

* Nội dung:

Thứ nhất, theo thông tin
bạn cung cấp thì chồng bạn có đăng ký đi lao động phổ thông ở Đài Loan của công ty Tân Nhật Hưng
Dragon, có đặt cọc 1.000USD có biên lai nhận tiền, đơn hàng hai bên đã thỏa thuận là đơn hàng Thực
phẩm và được phía bên công ty thông báo thời hạn sau một tuần để làm thủ tục VISA và sẽ bắt đầu đi
làm trường hợp này có thể hiểu giữa chồng bạn và công ty Tân Nhật Hưng Dragon đã ký hợp đồng. Hợp
đồng được thực hiện giữa chồng bạn với công ty đó là hợp đồng thuộc khoản 1 Điều 6 Luật người lao
động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định:

“1. Hợp đồng đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài.”. 

Tại khoản 3 Điều 3 Luật người lao động Việt Nam đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 có giải thích như sau: “Hợp đồng đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp
với người lao động về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở
nước ngoài.”

Mặc dù bạn không cung cấp thông tin rõ sự thỏa thuận
giữa bạn và công ty có lập thành văn bản hay không nhưng hợp đồng cũng được xác lập bằng hình thức
miệng (qua lời nói) hoặc bằng hành vi và có hiệu lực kể từ thời điểm hai bên thực hiện. Từ
những quy định trên thì chồng bạn và công ty phải thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ đã thỏa
thuận.

Theo thông tin bạn đưa ra thì sau khi đặt cọc và
thỏa thuận đơn hàng từ Thực phẩm thì công ty có thông báo cho chồng bạn sau một tuần chờ đợi làm
thủ tục VISA và sẽ bay sang Đài Loan để đi làm. Tuy nhiên, quá thời hạn thông báo (quá 2 tuần)
nhưng chồng bạn vẫn chưa được đi làm, cũng không được thông báo trước về lý do chậm trễ này, cũng
không được thông báo về sự thay đổi nội dung công việc mà hai bên đã thỏa thuận trước đó (từ Thực
phẩm sang Lợp mái tôn). Từ những vấn đề trên có thể thấy công ty đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp
đồng, lỗi là do phía bên công ty.

Và theo điểm c khoản 1 Mục 5 Thông tư
21/2007/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

c) Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết
với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước
ngoài.

Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết,
nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả
lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ
đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ,
khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời
gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh
(visa).

Nếu quá thời gian đã cam kết mà doanh nghiệp
dịch vụ vẫn chưa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải thông báo rõ lý do cho người
lao động. Trường hợp người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì trong thời
hạn mười lăm ngày kể từ này người lao động thông báo không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài,
doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động hồ sơ, các khoản chi phí mà người lao động đã
nộp cho doanh nghiệp, gồm: chi phí làm hồ sơ, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm
thủ tục nhập cảnh (visa), vé máy bay, tiền dịch vụ, tiền môi giới và làm thủ tục hoàn trả tiền ký
quỹ cho người lao động.”

Từ quy định trên và do phía công ty vi phạm nghĩa vụ
hợp đồng nên nếu chồng bạn không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiếp sẽ phải
trả lại hồ sơ cho bạn và bạn sẽ không phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp đã chi (nếu
có).

Thứ hai, về khoản tiền đặt
cọc 1.000 USD.

Theo Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 quy định Đặt cọc
như sau:

1. Đặt cọc là việc một bên giao cho
bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản
đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân
sự.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn
bản.

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao
kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ
trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc
thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự
thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc,
trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Theo bạn cung cấp thì chồng bạn đặt cọc 1.000 USD có
biên lai, tuy nhiên theo quy định trên thì việc thỏa thuận đặt cọc sẽ phải lập thành văn bản. Do
đó, giữa chồng bạn và công ty chỉ có thỏa thuận bằng miệng mà không lập thành văn bản thì thỏa
thuận 1.000 USD này bị vô hiệu do vi phạm về hình thức của hợp đồng và hai bên sẽ phải hoàn trả cho
nhau những gì đã nhận. Do vậy, khi chồng bạn không đi xuất khẩu lao động thì công ty có nghĩa vụ
phải hoàn trả số tiền 1.000 USD mà chồng bạn đã đặt cọc.

Hơn nữa, theo Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy
định:

“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động
không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng,
chứng chỉ của người lao động;

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện
pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng.”

Căn cứ quy định này, người sử dụng lao động không
được yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng việc đặt tiền cho việc thực hiện hợp
đồng lao động.

Thứ ba, căn cứ theo điểm
c, khoản 1 Mục 5 Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH và do công ty vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng,
việc đặt cọc bị vô hiệu nên chồng bạn sẽ không phải chịu phạt 500 USD theo phía công ty yêu cầu.
Trong trường hợp công ty không hoàn trả lại số tiền cho chồng bạn thì chồng bạn có thể thực hiện
khiếu nại như sau:

Theo Điều 5 Nghị định 119/2014/NĐ-CP quy
định:

“Điều 5. Trình tự khiếu
nại

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi
của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân dạy nghề; tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam
đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp
pháp của mình thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo
quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17 Nghị định
này.

2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với
quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc quá thời hạn quy định tại
Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại thực hiện
khiếu nại lần hai theo quy định sau đây:

c) Đối với khiếu nại về hoạt động đưa người lao
động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theohợp đồng, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người
giải quyết khiếu nại quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.

3. Trường hợp người khiếu nại
không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc quá thời
hạn quy định tại Điều 27 Nghị định này thì người khiếu nại có quyền khiếu nại theo quy định của
Luật Khiếu nại và văn bản liên quan hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Điểm b Khoản
2 Điều 10 Nghị định này.”

Điều 17 Nghị định 119/2014/NĐ-CP quy định như
sau:

“Điều 17. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về
hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Người đứng đầu tổ chức đưa người lao động
Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với
quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại.

2. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có
thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam
đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết
lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này
mà khiếu nại không được giải quyết.”

Như vậy, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi
của tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật,
xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì chồng bạn có thể thực hiện khiếu nại
lần đầu lên người đứng đầu tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nếu sau
khi giải quyết lần đầu không đồng ý với quyết định đó hoặc là quá hạn mà vẫn không được giải quyết
thì chồng bạn khiếu nại đến Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại lần hai. Nếu vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì chồng bạn có thể kiện ra
Tòa án để được giải quyết.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được
trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư
vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng
tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của
chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây