Chi nhánh có phải đăng ký nội quy, thỏa ước lao động tập thể, thang bảng lương không?

0
2388

Chi nhánh không cần phải thành lập nội quy lao động, thỏa ước lao động, thang bảng lương mới mà phía công ty sẽ có trách nhiệm gửi đến Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Hà Nội nơi đặt chi nhánh để đăng ký.

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về nội quy, thỏa ước lao động tập thể, thang bảng lương

Điều 118 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nội quy lao động như sau: “1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. 2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; b) Trật tự tại nơi làm việc; c) An toàn, vệ sinh lao động; d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động; g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động; h) Trách nhiệm vật chất; i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. 3. Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. 4. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc. 5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Nội quy lao động có thể hiểu là những quy định về kỷ luật lao động mà người lao động phải thực hiện khi làm việc tại doanh nghiệp; bao gồm cả quy định về việc xử lý đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động; quy định trách nhiệm vật chất đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động làm thiệt hại tài sản của công ty.

Điều 75 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thỏa ước lao động tập thể như sau: “1. Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác. 2. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật”.

Về xây dựng thang bảng lương, Điều 93 Bộ luật này quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau: “1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. 2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. 3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện”.

Chi nhánh có phải đăng ký nội quy, thỏa ước lao động tập thể, thang bảng lương không?

Về trường hợp doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, đơn vị tại các địa phương khác nhau thì tại khoản 8 Điều 28 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định như sau: “Người sử dụng lao động có chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm gửi nội quy lao động sau khi có hiệu lực đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh”.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, chi nhánh không cần phải thành lập nội quy lao động mới và đăng ký nội quy lao động, mà phía công ty sẽ có trách nhiệm gửi nội quy lao động đến Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Hà Nội nơi đặt chi nhánh để đăng ký nội quy lao động.

Đối với thỏa ước lao động tập thể, tương tự như trường hợp đối với nội quy lao động, chi nhánh không phải thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp mới, mà sẽ sử dụng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp của công ty chính. Về bản chất, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp là sự thỏa thuận đã đạt được giữa đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động trong phạm vi doanh nghiệp, vì vậy nó có hiệu lực áp dụng đối với toàn doanh nghiệp, mà chi nhánh không phải là doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, chỉ là một bộ phận của doanh nghiệp, vì vậy, chi nhánh của doanh nghiệp cũng phải tuân theo thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp đã có hiệu lực mà không ký kết thỏa ước mới.

Đối với thang bảng lương, khoản 2 Điều 10 Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định như sau: “Trường hợp doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động ở các địa bàn khác nhau thì sau khi xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động, doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra”.

Như vậy, từ căn cứ trên, thì doanh nghiệp mà có đơn vị, chi nhánh hoạt động tại các địa bàn khác nhau thì sau khi xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương thì doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt chi nhánh, đơn vị của doanh nghiệp. Vì vậy, trong trường hợp này, chi nhánh của công ty cũng không phải xây dựng thang lương, bảng lương mà công ty chính chỉ phải gửi thang lương, bảng lương đã được xây dựng, quyết định đến Phòng lao động thươnh binh cấp huyện tại nơi chi nhánh đặt trụ sở.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây