Xử phạt người sử dụng lao động khi không ký kết hợp đồng với người lao động theo quy định

0
1298

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi bắt đầu vào thử việc tại một công ty từ 3/10/2014. Hai tháng đầu tiên, với vai trò thử việc, tôi được hưởng 80% lương. Công ty có giao cho tôi kí 02 bản hợp đồng thử việc, tôi đã kí và gửi lại để Tổng giám đốc kí nhưng cuối cùng cũng không giao lại cho tôi (như vậy
hiện tại tôi không cầm 01 bản hợp đồng này). Kết thúc 02 tháng thử việc, trưởng bộ phận của tôi và trưởng phòng hành chính nhân sự có thay mặt công ty trao đổi công việc với tôi để tiếp tục hợp tác:
Kết quả của buổi thảo luận là tôi chuyển sang giai đoạn thử thách. Mức lương vẫn như cũ. Nhưng cho đến nay, tôi cũng không kí bất cứ một hợp đồng nào nữa. Đến 1/2/2015: do cảm thấy không phù hợp với nhau trong công việc nên tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Do đang trong giai đoạn thử thách nên thời hạn nộp đơn và bàn giao công việc của tôi là 15 ngày tính từ ngày nộp đơn nên tôi vẫn tiếp tục đi làm đến 15/2/2015. Đến kì trả lương ngày 10/2/2015 là kì trả lương cho tháng 1/2015, tôi không được công ty trả lương. Vậy, luật sự cho tôi hỏi:

– Việc không kí kết các hợp đồng đảm bảo quyền lợi cho người lao động là công ty tôi đúng hay sai? Nếu vi phạm bị xử lí như thế nào?

– Việc không trả lương tháng 1/2015 cho tôi là công ty tôi có vi phạm không? Lỗi vi phạm này bị xử lí như thế nào?

– Trong trường hợp thương lượng không được, tôi muốn gửi đơn khiếu nại thì sẽ gửi đến các cơ quan chức năng nào? Trước đây, đã có rất nhiều trường hợp công ty tôi không trả lương đúng hạn sau thời gian người lao động thử việc, công ty thường giữ 60 ngày mới trả. Vậy, hành vi này có được pháp luật cho phép hay không?

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của V-law. Với thắc mắc của bạn, V-law xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Việc không kí kết các hợp đồng đảm bảo quyền lợi cho người lao động là công ty tôi đúng hay sai? Nếu vi phạm bị xử lí như thế nào?

Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ 2012) quy định: “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

Theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 về Hình thức hợp đồng lao động thì:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Đối với trường hợp của bạn, khi bạn kí hợp đồng thử việc 2 tháng, công ty giữ lại một bản hợp đồng là đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian thử việc, nếu công việc của bạn không phải là công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì công ty có nghĩa vụ phải lập và giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn.

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng sẽ phải chịu một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

.

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao
động trở lên.

2. Công ty vi phạm về tiền lương.

Điều 28 BLLĐ 2012 quy định về mức Tiền lương trong thời gian thử việc như sau:

“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

Như vậy, hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải trả 100% tiền lương cho người lao động.

Căn cứ vào quy định trên thì công ty bạn đã vi phạm quy định về thử việc khi trả cho bạn 80% mức lương, thấp hơn mức tối thiểu mà BLLĐ quy định. Đối với hành vi vi phạm này, công ty bạn sẽ phải chịu mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điềm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, Công ty bạn còn buộc phải trả đủ 100% tiền lương cho người lao động.

3. Việc không trả lương tháng 1/2015 cho tôi là công ty tôi có vi phạm không? Lỗi vi phạm này bị xử lí như thế nào?

Việc bạn không ký kết hợp đồng không có nghĩa là giữa bạn và công ty không có quan hệ lao động. Khi tồn tại mối quan hệ lao động giữa bạn và công ty, công ty có nghĩa vụ phải đảm bảo mọi quyền lợi mà pháp luật quy định cho bạn.

Về việc công ty chỉ trả cho bạn 80% lương ngay cả khi đã hết thời gian thử việc, đồng thời trả lương không đúng kỳ hạn luật định mà không có lý do chính đáng (Điều 95 BLLĐ 2012) đã vi phạm Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Theo đó, công ty sẽ bị phạt:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người
đến 10 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao
động trở lên.

Ngoài ra, công ty còn bị:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định;

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

4. Trong trường hợp thương lượng không được, tôi muốn gửi đơn khiếu nại thì
sẽ gửi đến các cơ quan chức năng nào?

Căn cứ vào hành vi mà công ty đã thực hiện ở trên, bạn có thể gửi Đơn tố cáo đến Chủ tích Ủy ban nhân dân cấp Huyện hoặc Thanh tra Lao động thuộc Sở Lao động thương binh Xã hội cấp tỉnh nơi công ty đang đặt trụ sở để yêu cầu họ giải quyết (Điều 36, 37 Nghị định
95/2013/NĐ-CP).

5. Tư vấn phương án giải quyết.

Bởi mức độ của hành vi vi phạm của công ty chưa gây thiệt hại nhiều cho bạn nên trong trường hợp này bạn chưa cần thiết phải khởi kiện dân sự ra Tòa án để đòi quyền lợi.

Hơn nữa, trong trường hợp của bạn, việc bạn xin nghỉ việc trước có thể rơi vào trường hợp “Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động” hoặc ” Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Đối với trường hợp “Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động”, bạn và công ty có thể thỏa thuận thời điểm chấm dứt hợp đồng. Pháp luật lao động không quy định bạn buộc phải báo
trước trong trường hợp này. Tuy nhiên các công ty có thể có những quy định về thời hạn báo trước ngay cả khi việc chấm dứt hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên. Điều này pháp luật không quy định nhưng việc công ty quy định riêng cũng không trái với quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp ” Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”, bạn phải có căn cứ theo điều 37 BLLĐ 2012 (trừ trường hợp bạn đã giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn), mặt khác, bạn phải có nghĩa vụ báo trước:

– Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

– Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng;

– Ít nhất 45 ngày nếu là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Xem xét trường hợp của bạn, vì thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động không được lập thành văn bản nên công ty hoàn toàn có thể cho rằng bạn đơn phương hợp đồng trái pháp luật (bởi bạn không đáp ứng được điều kiện, căn cứ đơn phương và thời hạn báo trước).

Như vậy, phương án tốt nhất là bạn nên thỏa thuận với công ty. Trong trường hợp không thỏa thuận, thương lượng được thì bạn chỉ nên Tố cáo hành chính mà không nên khởi kiện
dân sự ra Tòa án.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc
bạn có thể liên hệ  1900.6198 để được giải đáp.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây