Xử lý thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

0
1444

Theo quy định tại điều 73 Bộ luật lao động 2012 thì : “Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể”.

Thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định pháp luật. Trong trường hợp nội dung của thỏa ước trái với pháp luật thì thỏa ước đó sẽ được coi là vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thỏa ước bị vô hiệu từng phần hoặc bị vô hiệu toàn bộ. Theo quy định tại điều 78 Bộ luật lao động 2012 thì:

– Thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thoả ước trái pháp luật.

– Thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có toàn bộ nội dung trái pháp luật.
  •  Người ký kết không đúng thẩm quyền.
  • Việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể.

Trong trường hợp thỏa ước lao động tập thể bị vô hiệu toàn bộ thì cần phải lưu ý về hai trường hợp: người ký kết không đúng thẩm quyền và việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể. Người có thẩm quyền kí kết trong thỏa ước lao động tập thể của bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; và của bên người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Quy trình thương lượng tập thể được quy định chi tiết tại điều 71 Bộ luật lao động 2012 như sau:

1. Quy trình chuẩn bị thương lượng tập thể được quy định như sau:

a) Trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể ít nhất 10 ngày, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi tập thể lao động yêu cầu trừ những bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động;

b) Lấy ý kiến của tập thể lao động. Đại diện thương lượng của bên tập thể lao động lấy ý kiến trực tiếp của tập thể lao động hoặc gián tiếp thông qua hội nghị đại biểu của người lao động về đề xuất của người lao động với người sử dụng lao động và các đề xuất của người sử dụng lao động với tập thể lao động; 

c) Thông báo nội dung thương lượng tập thể.

Chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể, bên đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể.

2. Quy trình tiến hành thương lượng tập thể được quy định như sau:

a) Tổ chức phiên họp thương lượng tập thể.

Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng tập thể theo thời gian, địa điểm do hai bên đã thỏa thuận. Việc thương lượng tập thể phải được lập biên bản, trong đó phải có những nội dung đã được hai bên thống nhất, thời gian dự kiến ký kết về các nội dung đã đạt được thoả thuận; những nội dung còn ý kiến khác nhau;

b) Biên bản phiên họp thương lượng tập thể phải có chữ ký của đại diện tập thể lao động, của người sử dụng lao động và của người ghi biên bản. 

3. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp thương lượng tập thể, đại diện thương lượng của bên tập thể lao động phải phổ biến rộng rãi, công khai biên bản phiên họp thương lượng tập thể cho tập thể lao động biết và lấy ý kiến biểu quyết của tập thể lao động về các nội dung đã thoả thuận”.

Nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 78 Bộ luật lao động 2012 thì thỏa ước lao động tập thể bị coi là vô hiệu. Trong trường hợp này thì phần quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thỏa ước bị vô hiệu thì sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật về những nội dung tương đương. Ví dụ trong trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nội dung trái pháp luật là  “người lao động phải làm việc 11 tiếng một ngày” thì phần nội dung của thỏa ước sẽ không còn giá trị về mặt pháp lí. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về thời giờ làm việc quy định tại điều 104.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây