Vai trò của nhà nước trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

0
1667

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động không chỉ là trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của nhà nước thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra từng kỳ.

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động 

Xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động an toàn lao động, vệ sinh lao động
Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – thương binh và Xã hội, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Căn cứ vào chương trình này, hàng năm Bộ Lao động – thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kinh phí đều tư cho chương trình để đưa vào kế hoạch ngân sách của Nhà nước.

Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong phạm vi cả nước. Hội đồng quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động do Thủ tướng thành lập có nhiệm vụ tư vấn cho thủ tướng Chính phủ và tổ chức phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Bộ Lao động – thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành văn bản pháp luật, các chính sách chế độ về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng, ban hành và quản lý thống nhất hệ thống quy phạm nhà nước về an toàn lao động; ban hành tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; hướng dẫn chỉ đạo thực hiện thanh tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động; huấn luyện về an toàn lao động; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn lao động.

Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, ban hành và quản lý thống nhất hệ thống quy phạm vệ sinh lao động, tiêu chuẩn sức khỏe đối với các nghề, các công việc; thanh tra về vệ sinh lao động; tổ chức khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vệ sinh lao động.

Bộ Khoa học và công nghệ có trách nhiệm quản lý thống nhất việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy cách các phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế xây dựng ban hành và quản lý thống nhất hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc đưa nội dung an toàn lao động, vệ sinh lao động vào chương trình giảng dạy trong các trường đại học, các trường kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý và dạy nghề;

Các Bộ, ngành ban hành hệ thống tiêu chuẩn quy phạm, an toàn lao động, vệ sinh lao động cấp ngành sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế;

Việc quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực: phóng xạ, thăm dò khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị lực lượng vũ trang do các cơ quan quản lý ngành đó chịu trách nhiệm có sự phối hợp của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Y tế;

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong phạm vi địa phương mình; xây dựng các mục tiêu bảo đảm an toàn, vệ sinh và cải thiện điều kiện lao động đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách của địa phương.

Vai trò của thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động

Thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động là là một trong những hoạt động chuyên ngành của thanh tra Nhà nước về lao động. Mục đích của thanh tra an toàn lao động là đảm bảo về tính mạng, sức khỏe đối với người lao động và đảm bảo an toàn về vận hành, sử dụng các phương tiện, thiết bị và nơi làm việc, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của sản xuất kinh doanh. Mục đích của thanh tra vệ sinh lao động nhằm ngăn ngừa tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường lao động.

Thẩm quyền thanh tra nhà nước về an toàn lao động và vệ sinh lao động hiện nay là :

Bộ Lao động – thương binh và Xã hội và các cơ quan lao động địa phương thanh tra về an toàn lao động.

Bộ Y tế và các cơ quan Y tế địa phương thực hiện thanh tra vệ sinh lao động.

Ngoài ra, do tính chất đặc thù của một số lĩnh vực, ngành nghề như phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang…thì việc thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động sẽ do cơ quan quản lý ngành đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra Nhà nước về lao động.

Vai trò của công đoàn trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động

Công đoàn là tổ chức đại diện cho tập thể người lao động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thẩm quyền của công đoàn biểu hiện ở các lĩnh vực, mức độ khác nhau phụ thuộc vào từng quan hệ cụ thể. Trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động, thẩm quyền của công đoàn thể hiện ở các mặt sau:

Công đoàn với chức năng đại diện cho người lao động tham gia với cơ quan Nhà nước hữu quan xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động, phối hợp với cơ quan Nhà nước hữu quan đề xuất chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật về bảo hộ lao động; giáo dục, tuyên truyền vận động người lao động chấp hành quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia xét khen thưởng và xử lý việc vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Hiện nay ở nước ta có viện nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho nên có thể tham gia xây dựng cả chương trình nghiên cứu khoa học về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước hữu quan và người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; có quyền yêu cầu người có trách nhiệm tạm ngưng hoạt động ở những nơi có nguy cơ gây tai nạn lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động và có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý người có trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động.

Căn cứ tiêu chuẩn nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. Công đoàn vận động xây dựng phong trào bảo đảm an toàn lao động và tổ chức mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây