Thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ mới nhất

0
1251
Thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ mới nhất năm 2019. Quy định mới nhất về thời gian hưởng chế độ thai sản, cách tính thời gian hưởng thai sản cho lao động nữ mới năm 2019.


Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 đã có những quy định và những điểm bổ sung mới về chế độ thai sản theo hướng có lợi hơn cho người lao động đặc biệt là lao động nữ. Chính vì vậy mỗi người lao động cần nắm rõ về những điểm mới này để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Hy vọng, qua bài viết này, V-Law sẽ giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về những chính sách mới nhất về chế độ thai sản dành cho lao động nữ, để có thể bảo vệ quyền lợi của mình và người thân.

Thứ nhất, thời gian hưởng chế độ khi khám thai:

Theo Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thì quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:

“1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.”

Như vậy, quy định này đã tạo điều kiện giúp lao động nữ thực hiện tốt chức năng làm mẹ vừa để người phụ nữ thực hiện tốt công tác xã hội như tiếp tục lao động để tạo nguồn thu nhập cho bản thân và xã hội. Trong suốt quá trình mang thai, người lao động nữ phải trải qua nhiều quá trình như thai nghén, thai nhi phát triển qua nhiều tuần tuổi khiến lao động nữ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Vì vậy, Luật bảo hiểm xã hội quy định trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc cho mỗi lần khám thai là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên trường hợp này cần lưu ý tính trợ cấp theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Cách tính BHXH khi nghỉ đi khám thai theo công thức sau:

Mức hưởng khi nghỉ việc đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai: = Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 100% x Số ngày nghỉ việc theo chế độ thai sản (26 ngày).

Trong đó:

– Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Số ngày nghỉ việc theo chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Riêng đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thứ hai, thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

Tại Điều 33. Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định cụ thể thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý như sau:

“1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.”

Các quy định này góp phần bảo vệ sức khỏe cho người phụ nữ. Thời gian nghỉ cùng mức trợ cấp của chế độ bảo hiểm thai sản đã thể hiện rõ rệt sự ưu đãi của Nhà nước đối với người lao động nữ khi thực hiện chức năng làm mẹ của họ. Cần lưu ý là các thời gian trên tính cả ngày lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng năm.

Thứ ba, thời gian hưởng chế độ khi sinh con:

Tại Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014  thời gian hưởng chế độ khi sinh con:

“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.”

Ngoài ra, tại Thông tư 59/2015/TT- BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tại Điều 10. Thời gian hưởng chế độ thai sản có quy định như sau:

“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.”

Theo đó, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Người phụ nữ gần đến ngày sinh rất cần được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho việc sinh đẻ cũng như để chuẩn bị cho đứa con ra đời. Sau khi sinh càng nhất thiết phải được nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe cho mẹ và con, đảm bảo chức năng làm mẹ an toàn.

Thời gian nghỉ việc trước và sau khi sinh con được dựa trên cơ sở tính toán một cách khoa học khoảng thời gian cần và đủ để người mẹ ổn định nhịp sinh học của cơ thể, đồng thời đủ để đứa trẻ tận dụng được nguồn sữa mẹ để có thể phát triển tốt về thể lực và trí tuệ cũng như để phù hợp với nhu cầu của người lao động và điều kiện thực tế của đất nước.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định một số trường hợp đặc thù về chế độ thời gian hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ như sau:

Theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi và thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai.

“Điều 36. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Điều 37. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.”

Các lưu ý về thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ như sau:

– Hết thời hạn nghỉ việc sinh con theo quy định nêu trên, nếu có nhu cầu thì sản phụ có thể nghỉ thêm với điều kiện được người sử dụng lao động chấp thuận nhưng không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

– Lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ 60 ngày trở lên tính từ khi sinh con và phải có chứng nhận của cơ quan khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc trở làm việc sớm không có hại cho sức khỏe và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước 1 tuần. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương, lao động nữ vẫn được hưởng trợ cấp thai sản đến hết thời gian nghỉ theo quy định.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây