Tuyển dụng viên chức và tuyển dụng người lao động

người lao động, viên chức, tuyển dụng

0
1306

Tuyển dụng là tuyển chọn người thích hợp để làm việc khi có nhu cầu sử dụng nhân lực. Viên chức được tuyển dụng và quản lý theo hợp đồng làm việc, những người lao động khác không phải viên chức được tuyển dụng và quản lý theo hợp đồng lao động.

Căn cứ pháp lý

(i) Bộ luật lao động 2012,

(ii) Luật Viên chức 2010;

(iii) Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức;

(iv) Thông tư số 11/2013/TT-BLDDTBXH banh hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc.

Tuyển dụng viên chức

Điều 20 Luật Viên chức năm 2010 quy định: “Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Nhu cầu công việc: Hàng năm ban lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập phải căn cứ vào nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Vị trí việc làm: Được xác định là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Điều 25 Luật Viên chức năm 2010 quy định có hai loại: hợp đồng làm việc xác định thời hạn (hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng) và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng).

Tuyển dụng người lao động

Tuyển dụng lao động là khâu đầu tiên rất cơ bản của quá trình tổ chức lao động, người sử dụng lao động có quyền “tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động” (điểm a khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2012).

Quyền tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động được quy định cụ thể tại Điều 11: “Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động, có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh”. Như vậy, người sử dụng lao động hoàn toàn tự chủ trong hoạt động tuyển dụng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định có ba loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ đủ 12 đến đủ 36 tháng) và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Những khác biệt cần lưu ý

So với tuyển dụng viên chức thì việc tuyển dụng người lao động được pháp luật lao động quy định theo hướng mở, chú trọng tự do tối đa cho cả người sử dụng lao động và người lao động trong vấn đề việc làm.

Thứ nhất, về điều kiện tuyển dụng. Khi tuyển dụng viên chức, các đơn vị sự nghiệp công lập cần căn cứ vào rất nhiều điều kiện như: nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Các điều kiện này được xây dựng một cách cụ thể thông qua các văn bản hướng dẫn của Luật Viên chức. Trong khi đó, pháp luật lao động không quy định bắt buộc về những điều kiện trên khi tuyển dụng người lao động. Chỉ cần có nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực việc làm mà pháp luật không cấm thì người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng lao động.

Thứ hai, về điều kiện đăng kí tuyển dụng, Luật Viên chức năm 2010 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 quy định cụ thể những điều kiện nhất định để được tham gia dự tuyển viên chức. Tuy nhiên, trong pháp luật lao động không quy định cụ thể về điều kiện này. Có thể nói, điều kiện cơ bản nhất để tham gia dự tuyển là điều kiện để trở thành người lao động: từ đủ 15 tuổi trở lên (thậm chí có ngoại lệ người lao động dưới 15 tuổi quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH), có khả năng lao động… Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động có thể linh hoạt, tùy theo tính chất, vị trí công việc cần tuyển nhân sự mà có thể bổ sung những điều kiện phù hợp nhưng không trái luật.

Thứ ba, về phương thức tuyển dụng, đơn vị sự nghiệp công lập có thể áp dụng một trong hai phương thức là thi tuyển hoặc xét tuyển. Ngược lại, pháp luật lao động không quy định phương thức cụ thể, tùy vào quy mô, mục đích và nhu cầu tuyển dụng mà người sử dụng lao động sẽ có những phương thức tuyển dụng thích hợp. Mặt khác, người lao động hay người sử dụng lao động còn có thể gián tiếp thông qua các tổ chức dịch vụ, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tham gia vào quan hệ pháp luật lao động.

Thứ tư, không có loại hợp đồng làm việc dưới 12 tháng.Mặc dù, có sự khác biệt trong quy định khi tuyển dụng nhưng khi có nhu cầu tuyển dụng nhân sự vào làm việc, các đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng quy trình tuyển dụng chung cho cả viên chức và người làm việc theo hợp đồng lao động thì không sai quy định pháp luật lao động bởi lẽ người sử dụng lao động được tự do thực hiện tuyển dụng. Tuy nhiên, tuyển dụng người lao động theo quy trình tuyển dụng viên chức làm cho quan hệ pháp luật lao động trở nên cứng nhắc, mất đi sự linh hoạt trong thị trường lao động.

 

 

 

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây