Sai phạm nghiêm trọng trong chế độ của lao động nữ mang thai

0
1171

Tóm tắt câu hỏi:

Em xin chào các anh chị làm ở văn phòng luật sư. Em đang có một số vấn đề muốn được anh chị tư vấn
cũng như trả lời cho em cụ thể như sau. Hiện em đang mang thai tháng thứ 7 và công ty cũng đã biết
việc em mang thai (nhưng em chưa nộp giấy tờ liên quan đến việc em có thai lên công ty). Từ khi
công ty biết em có thai và ra nhiều quyết định như cho em nghỉ việc và giờ lại chuyển em đến nơi
làm việc tại môi trường độc hại (khí hàn) và nặng nhọc, nhưng em không chấp hành quyết định này
công ty đã lập biên bản bắt em ký với lý do không điều chuyển công tác với hình thức kỷ luật sẽ
thông báo sau cho em. Nhưng em nói em đang mang thai nên em không thể xuống môi trường đó làm được.
Điều này công ty cũng biết  nhưng công ty trả lời với em bảo là không biết gì về chuyện em
đang mang thai cả đâu có giấy tờ gì chứng minh. Em nói công ty cần em sẽ. bổ sung trong vòng ngày
mai nhưng công ty lại lảng tránh sang chuyện khác và một mực bắt em ký biên bản công ty bắt ép em
như vậy có đúng không? .Em mong các anh chị làm bên văn phòng luật sư trả lời để em được biết và
bảo vệ được quyền lợi của mình. Em rất muốn sớm nhận được câu trả lời của các anh chị. Em xin
chân thành cảm ơn.

Trả lời câu hỏi:

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến V-Law.
Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như sau:

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi
công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa,
biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc
nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với
lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp
người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích
hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo
hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con
dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được
hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn đã vi phạm nghiêm trọng đối với việc bảo vệ thai sản đối
với lao động nữ mang thai. Có thể liệt kê một số vi phạm như sau

– Buộc lao động nữ thôi việc vì lý do mang thai.

– Để lao động nữ mang thai làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

– Không sắp xếp công việc khác phù hợp đối với lao động nữ mang thai tháng thứ 7.

Về vấn đề này, cụ thể, Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
lao động, bảo hiểm xã hội có quy định về vi phạm và mức phạt vi phạm về quy định đối với lao động
nữ như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao
động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có
liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ;

b) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong
các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các
trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng
xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

b) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ
tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật lao
động;

c) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi
ngày;

d) Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai
sản theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 157 của Bộ luật lao động;

đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ
khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng
tuổi;

e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có
thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân
chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng
lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

g) Sử dụng lao động nữ làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160
của Bộ luật lao động.

Về vấn đề giấy tờ thể hiện việc mang thai, công ty chỉ có thể yêu cầu những giấy tờ này nhằm xác
định thời gian mang thai của lao động nữ để thu xếp công việc phù hợp và nhẹ hơn. Việc công ty
không công nhận bạn mang thai do không có giấy tờ là trái với quy định về pháp luật lao động bởi
đây là điều công ty có trách nhiệm phải biết.

Do đó, trong thời điểm hiện tại bạn sẽ không ký kết bất kỳ một văn bản nào công ty yêu cầu và sẽ
gửi đơn khiếu nại lên giám đốc công ty, yêu cầu giải trình về căn cứ pháp lý công ty sử dụng để đưa
ra những quyết định trên. Trong thời hạn 5 ngày, nếu công ty không đưa ra văn bản trả lời hoặc trả
lời không thỏa đáng thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại này lên Phòng lao động thương binh và xã hội
nơi công ty đặt trụ sở hoặc gửi đơn kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của V-Law
về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sai phạm nghiêm trọng trong chế độ
của lao động nữ mang thai
. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn
vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ
1900.6198
 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây