Chế độ bảo hiểm xã hội khi xảy ra tai nạn lao động

0
1316

 

Anh 2 tôi đang làm Công nhân tại dây chuyền sản xuất thép ống Cty X được 1 năm với tổng thu nhập là 6 triệu/tháng (lương cơ bản là 3.000.000 đ, PC còn lại là 3.000.000 đ), vào hồi 10 giờ ngày 03/10/2013 do không cẩn thận đã bị tai nạn lao động, hậu quả bị cắt cụt 2 tay và được đưa đi cấp cứu và điều trị tại BV chấn thương chỉnh hình. Vậy chế độ bảo hiểm của anh tôi như thế nào? Công ty mua bảo hiểm tai nạn cho anh tôi thì anh tôi có được hưởng không?

XIN QUÝ LUẬT SƯ CHO EM Ý KIẾN:

Anh 2 tôi đang làm Công nhân tại dây chuyền sản xuất thép ống Cty X được 1 năm với tổng thu nhập là
6 triệu/tháng (lương cơ bản là 3.000.000 đ, PC còn lại là 3.000.000 đ), vào hồi 10 giờ ngày
03/10/2013 do không cẩn thận đã bị tai nạn lao động, hậu quả bị cắt cụt 2 tay và được đưa đi cấp
cứu và điều trị tại BV chấn thương chỉnh hình

Nguyên nhân tai nạn được xác định là do anh 2tôi chủ quan không thực hiện mang bao tay trong quá
trình làm việc dẫn tới bị máy cuốn vào và bị tai nạn (anh 2 tôi đã được huấn luyện an toàn lao động
trước khi thực hiện công việc). Trong quá trình điều trị, Công ty trả cho anh tôi lương cơ bản là 3
triệu/tháng. Sau khi điều trị liên tiếp trong vòng 25 tháng thì anh tôi được xác định tỷ lệ thương
tật 65%, được hưởng trợ cấp hàng tháng là 2.250.000 đo BHXH chi trả và Công ty đã sắp xếp cho anh
tôi làm nhân viên tạp vụ để anh 2 tôi có được thu nhập nuôi bản thân và A không được đóng BHXH và
hưởng mức thu nhập công ty trả hằng tháng là 4.000.000đ.

Công ty đã mua BH tai nạn cho anh 2 tôi và tổng số tiền bồi thường là 80 triệu và công ty đã không
trả lại cho anh 2 tôi toàn bộ số tiền bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động và số tiền mua bảo hiểm
tai nạn trên tổng cộng là 130 triệu.

1/ Anh chị em xin ý kiến của về cách giải quyết của Công ty? Có đúng hay sai? Căn cứ vào đâu?

2/ Anh 2 tôi phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?
XIN CẢM ƠN TRƯỚC

 

Nội dung tư vấn: 

Cảm ơn bạn
đã gửi nội dung yêu cầu tư vấn tới V-Law. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin
đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

–         Trợ cấp do cơ quan BHXH
chi trả đối với tai nạn lao động:

Theo quy định tại Điều 43 Luật BHXH 2006 quy đinh:

” Điều 43.Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng
tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ
suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản
trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó
cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã
hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị”.

Theo quy định trên thì anh bạn bị suy giảm 65% khả năng lao động nên hàng tháng, anh bạn sẽ được
hưởng mức trợ cấp bằng 98% mức lương tối thiểu chung ( 98% x 1.150.000 VNĐ)  + 0.5 % mức tiền
công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị ( 0.5 % x 3.000.000).
Vậy tổng thể tiền trợ cấp hàng tháng anh của bạn được nhận sẽ là: 1.142.000 VNĐ. Số tiền này do cơ
quan Bảo hiểm xã hội chi trả.

  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động của anhh trai
    bạn:

Theo quy định tại Điều 144, Điều 145 Bộ Luật lao động quy định:

” Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y
tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi
sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y
tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều
145 của Bộ luật này.

Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động
chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản
tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã
hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và
bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như
sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến
10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao
động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng
lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít
nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.

Do đó, Công ty có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi
phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn
định cho lao động. Ngoài ra, trong thời gian điều trị, anh của bạn còn được nhận đầy đủ lương theo
hợp đồng lao động đã ký và được trợ cấp 1 lần, với mức hưởng ít nhất bằng 40% ( 1,5 tháng tiền
lương theo hợp đồng + 55% x 0.4 tháng tiền lương theo hợp đồng).

  • Bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động sau khi đã hoàn thành điều trị:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 152 Bộ Luật lao động 2012 quy định:

“5. Người lao động sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu còn tiếp tục làm việc, thì
được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao
động”.

Do đó, sau khi anh bạn kết thúc quá trình điều trị được người sử dụng lao động sắp
xếp làm nhân viên tạp vụ để anh bạn có được thu nhập nuôi bản thân công việc phù hợp với sức khỏe
của anh bạn là hợp lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, anh bạn vẫn phải được đóng bảo hiểm
xã hội như những lao động bình thường khác. Nếu như công ty của anh bạn và anh bạn đều không muốn
đóng bảo hiểm xã hội để khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội này được cộng thêm vào tiền lương trả cho
anh bạn thì công ty và anh bạn phải ký kết lại hợp đồng lao động theo loại hợp đồng mùa vụ, hợp
đồng theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 3 tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều
168 Bộ Luật lao động 2012:

“3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y
tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động
có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người
lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và
tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định”.

Trong trường hợp ký loại hợp đồng này thì anh bạn sẽ được trả tiền lương nhiều hơn so với việc phải
đóng bảo hiểm xã hội. Sau thời hạn dưới 3 tháng, Công ty sẽ phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng lao
động do hết thời hạn hợp đồng. Nếu như hai bên thỏa thuận tiếp tục làm việc thì sẽ phải ký hợp đồng
lao động mới. Và do năm 2016 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thì hợp đồng lao động từ đủ 1
tháng trở lên đã phải bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội nên khi sang năm 2016, Công ty và anh của bạn
chỉ được ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu như Công ty
đồng ý cho anh bạn tiếp tục công việc, nhưng do anh bạn bị cụt 2 tay làm ảnh hưởng tới chất lượng
công việc thì Công ty sẽ có cơ hội để chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp với anh bạn. Do
đó, anh bạn cần cân nhắc để yêu cầu công ty đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng đã ký kết ban đầu (
hợp đồng này được bảo đảm bởi Khoản 5 Điều 152 Bộ Luật lao động 2012 về công việc được bố trí cho
người lao động bị tai nạn lao động) hoặc là đồng ý không đóng bảo hiểm xã hội như trình bày bên
trên.

  • Về việc Công ty mua bảo hiểm tai nạn cho anh bạn:

Theo quy định tại Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 quy định:

“Điều 31.Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người.

1.Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe vàtai nạn con
người.

2.Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

a)Bản thân bên mua bảo hiểm;

b)Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;

c)Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;

d)Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm”.

Trường hợp anh của bạn là người lao động bị tai nạn lao động sẽ ảnh hưởng rất lướn tới hoạt động
sản xuất của Công ty, ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng lao động nên Công ty có quyền mua
bảo hiểm con người với đối tượng bảo hiểm là tai nạn của anh bạn.

Tại Điều 33 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 quy định:

“Điều 33.Căn cứ trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con
người.

1.Trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểmcho người thụ
hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thựctế của người được bảo hiểm và thỏa
thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2.Trong bảo hiểm sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểmcho người được
bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khámbệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe
của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tainạn gây ra và thỏa thuận trong hợp đồng bảo
hiểm”.

Đồng thời tại Khoản 8, Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:

“8.Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiềnbảo hiểm theo
hợp đồng bảo hiểm con người”.

Do đó, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra đó là tai nạn của anh bạn thì Công ty bảo
hiểm – nơi mà Công ty của anh bạn mua bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho người
thụ hưởng ( người thụ hưởng ở đây là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định trong hợp đồng
bảo hiểm), và đương nhiên số tiền bảo hiểm sẽ được trả cho Công ty của anh bạn nếu như trong hợp
đồng mua bảo hiểm, Công ty chỉ định chính Công ty là người thụ hưởng số tiền bảo hiểm đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của V-Law
về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chế độ bảo hiểm xã hội khi xảy ra
tai nạn lao động
. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng
liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ
1900.6198
 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây