Bị tai nạn lao động trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm những gì?

0
1567

Bị tai nạn lao động trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm những gì? Chế độ tai nạn lao động, quy định về mức bồi thường tai nạn lao động.

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi có người em làm bên Công ty Điện lực nhưng của tư nhân đã xin nghỉ việc. Trong lúc chờ lấy sổ bảo hiểm thì Công ty không có người làm nên có gọi em tôi đi làm, làm ngày nào trả tiền ngày đó. Hôm chủ nhật định mệnh đó, khoảng 10h sáng, người đội trưởng bảo em tôi leo lên cột điện để bắt dây. Em tôi có hỏi đã cắt điện chưa thì người đó bảo đã cắt rồi và em tôi theo lên. Vừa quàng dây lên để bắt thì điện phóng xuống và em tôi bị cháy hai tay. Em tôi phải cưa hai tay, tháo cả hai khớp vai và không có khả năng lao động nữa. Công ty có trả viện phí nhưng sau đó chỉ hỗ trợ thêm ba mươi triệu đồng. Nhưng vì em tôi mất hết khả năng lao động và cần có người chăm sóc vậy bây giờ chúng tôi phải làm gì để công ty hỗ trợ cho em tôi?

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của V-Law. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như
sau:

Tùy vào trường hợp em của bạn có lỗi hay không, mức lương ngày của em bạn là bao nhiêu và mức thương tật được giám định là bao nhiêu phần trăm để xác định khoản bồi thường hoặc trợ cấp từ người sử dụng lao động. Khoản 3, 4 Điều 145 Bộ luật lao động 2012 quy định:

Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

(…)

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”

Cụ thể, trường hợp em bạn không có lỗi thì sẽ được nhận bồi thường tai nạn lao động theo Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH:

“Điều 3. Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng được bồi thường:

a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

(…)

2. Nguyên tắc bồi thường:

a) Việc bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó;

b) Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện từng lần theo quy định sau:

– Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;

– Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

3. Mức bồi thường:

Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính như sau:

a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này:

Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}

Trong đó:

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.”

Điều 5. Bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù

1. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.”

Trường hợp xác định em bạn là người có lỗi hoàn toàn thì em bạn chỉ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, căn cứ Điều 4 Thông tư này như sau:

“Điều 4. Trợ cấp tai nạn lao động

1. Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:

a) Tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động;

(…)

2. Nguyên tắc trợ cấp: Việc trợ cấp được thực hiện từng lần; tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

3. Mức trợ cấp:

a) Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động;

b) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tính theo công thức dưới đây:

Ttc = Tbt x 0,4

Trong đó:

– Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).”

Ngoài ra, nếu lỗi được xác định là do người đội trưởng chủ quan, người đội trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 109 Bộ luật hình sự 1999:

“Điều 109. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 

1.  Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Ngoài ra, người đội trưởng đó còn phải bồi thường cho em bạn cho đến cuối đời, căn cứ khoản 1 Điều 593 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 593. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm

1. Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây