Bị tai nạn lao động thì được hưởng các chế độ gì?

tai nạn lao động ,thiệt hại xảy ra.,bệnh nghề nghiệp

0
1259

Bị tai nạn lao động thì được hưởng các chế độ gì? Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tóm tắt câu hỏi:

Chào Luật sư! Bố tôi là công nhân xây dựng và không có hợp đồng lao động vì mới chuyển đến nơi làm mới. Do không có chỗ ở nên mọi người cùng chặt cây làm nhà ở tạm thời khi chặt cây xong bố tôi đang vác cây có 1 người khác cũng chặt cây để cây rơi tự do
trúng vào người bố tôi làm hỏng 1 mắt trái. Trường hợp của bố tôi được hưởng quyền lợi gì? Cảm ơn Luật sư!

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn trước là công nhân xây dựng và hiện nay không có hợp đồng lao động, là lao động tự do. Bố bạn cùng với người khác chặt cây làm nhà ở tạm thời, và có xảy ra tai nạn, làm hỏng một mắt trái. Để xem xét trong trường hợp này, bố bạn có được hưởng quyền lợi gì không thì cần xét xem bố bạn có tham gia bảo hiểm
xã hội hay không? Nếu có tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng các chế độ liên
quan.

Nếu bố bạn không tham gia bảo hiểm xã hội, bố bạn sẽ được hưởng các chi phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 như sau:

“2. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động,
người sử dụng lao động đó có trách nhiệm:
a) Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 của Bộ luật lao động;
b) Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị;
c) Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 145 của Bộ luật lao động;
 d) Thông báo bằng văn bản cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết về tình trạng sức khoẻ của người lao động.”
Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

Căn cứ Mục I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP quy định yếu tố lỗi của người gây thiệt hại như sau:

– Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

– Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Như vậy, trong trường hợp này phải xem xét người làm cùng có lỗi trong việc gây ra tai nạn cho bố bạn hay không? Nếu người kia có lỗi hoàn toàn thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, nếu cả hai cùng có lỗi thì việc bồi thường của người làm cùng thì xác định mức bồi thường tương đương với mức độ lỗi.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây